Bài 2: Ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện | Công Nghệ 12 (Công Nghệ Điện - Điện Tử) | Phần Một. Công Nghệ Điện - Chương I. Giới Thiệu Chung Về Kĩ Thuật Điện - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Công Nghệ 12 (Công Nghệ Điện - Điện Tử) - Phần Một - Chương I - Bài 2


(Trang 10)

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

Nhận biết được một số ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện.

hinh-anh-bai-2-nganh-nghe-trong-linh-vuc-ki-thuat-dien-12691-0

Hình 2.1

Quan sát Hình 2.1 và cho biết những người trong hình đang làm công việc gì?

Khám phá

Hãy kể tên các công việc có trong Hình 2.2.

hinh-anh-bai-2-nganh-nghe-trong-linh-vuc-ki-thuat-dien-12691-1

Hình 2.2. Một số công việc trong lĩnh vực kĩ thuật điện

(Trang 11)

Kĩ thuật điện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hệ thống điện, thiết bị điện cho các ngành kinh tế, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sự phát triển mạnh mẽ và đầy triển vọng của lĩnh vực này tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật điện rất đa dạng, với nhiều vị trí việc làm khác nhau gắn với các công việc chủ yếu như: thiết kế điện; sản xuất và chế tạo thiết bị điện, lắp đặt điện, vận hành điện và bảo dưỡng, sửa chữa điện.

I. THIẾT KẾ ĐIỆN

Mô tả công việc: Thiết kế điện là việc nghiên cứu, ứng dụng các kiến thức về kĩ thuật điện và các phương pháp tính toán đế phân tích, thiết kế, lựa chọn vật liệu, thiết bị điện cho các hệ thống điện, thiết bị điện đảm bảo các yêu cầu kinh tế kĩ thuật, công năng sử dụng và tính thẩm mĩ. Sản phẩm của công việc thiết kế là các bản vẽ sơ đồ mạch điện và các tài liệu ki thuật mô tả hệ thống điện. Nhóm công việc thiết kế điện gồm các vị trí việc làm: kĩ sư có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn và thiết kế hệ thống điện, thiết bị điện; kĩ thuật viên thực hiện các nhiệm vụ kĩ thuật hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các thiết bị điện, thiết kế hệ thống điện và mạch điện có độ phức tạp thấp.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề thiết kế điện phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện đối với vị trí kĩ sư; có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện đối với vị trí kĩ thuật viên.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề thiết kế điện cần có kiến thức chuyên môn về kĩ thuật điện, hệ thống điện và thiết bị điện tương ứng với vị trí việc làm; am hiểu các phương pháp tính toán và các quy chuẩn kĩ thuật liên quan đến hệ thống điện, thiết bị điện; thành thạo kĩ năng sử dụng các phần mềm thiết kế điện; có năng lực giải quyết vấn để và sáng tạo

Vị trí việc làm: Người làm nghề thiết kế điện thường làm việc trong các phòng kĩ thuật của các công ti cung cấp dịch vụ tư vấn, thiết kế điện; công ti xây lắp các công trình công nghiệp và dân dụng để thiết kế hệ thống điện cho các toà nhà, nhà máy, cơ sở sản xuất và các hệ thống điện công cộng; các công ti năng lượng để thiết kế hệ thống điện cho các dự án năng lượng điện; các trường đại học và viện nghiên cứu để giảng dạy và nghiên cứu.

II. SẢN XUẤT, CHẾ TẠO THIẾT BỊ ĐIỆN

Mô tả công việc: Sản xuất, chế tạo các thiết bị điện là việc sử dụng các dây chuyền công nghệ, hoặc máy và các công cụ hỗ trợ để tạo ra các thiết bị điện từ vật liệu, linh kiện ban đầu theo quy trình sản xuất. Nhóm công việc sản xuất, chế tạo thiết bị điện gồm các vị trí việc làm: kĩ sư sản xuất có nhiệm vụ tổ chức vận hành và đảm bảo kĩ thuật hệ thống sản xuất được tối ưu, hiệu quả; kĩ sư quản lí chất lượng chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm; thợ sản xuất, chế tạo chịu trách nhiệm thao tác các công việc cụ thể trong dây chuyền hoặc máy sản xuất, chế tạo thiết bị điện. Ví dụ, sản xuất, chế tạo đèn LED chiếu sáng gồm các công việc: kiểm tra linh kiện đầu vào; lắp ráp và hàn linh kiện; kiểm tra đặc tính kĩ thuật, chất lượng của thành phẩm; đóng gói bao bì sản phẩm đạt chất lượng.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện với vị trí kĩ sư; có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện với vị trí thợ

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện cần có kiến thức về kĩ thuật điện, hệ thống điện và thiết bị điện tương ứng với vị trí việc làm; am hiểu về quy trình, quy chuẩn kĩ thuật trong sản xuất, chế tạo thiết bị điện; có kĩ năng sử dụng máy

(Trang 12)

sản xuất và các công cụ, thiết bị đo lường để kiểm tra, đánh giá các tham số chất lượng của thiết bị điện, kĩ năng sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động trong sản xuất; tuân thủ quy trình sản xuất và các quy tắc an toàn lao động.

Vị trí việc làm: Người làm nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện làm việc tại các nhà máy, xưởng sản xuất, chế tạo thiết bị điện như nhà máy, xưởng sản xuất mô tơ, máy phát điện, máy biến áp, thiết bị phân phối và điều khiển điện; sản xuất pin và ắc quy; sản xuất dây và thiết bị dây dẫn; sản xuất thiết bị điện chiếu sáng; sản xuất đồ điện dân dụng; sản xuất các thiết bị điện khác).

III. LẮP ĐẶT ĐIỆN

Mô tả công việc: Lắp đặt điện là việc thi công, lắp đặt, kết nối đường dây điện và thiết bị điện cho các hệ thống điện, công trình điện theo sơ đồ thiết kế, các quy chuẩn kĩ thuật và an toàn điện. Nhóm công việc lắp đặt điện gồm các vị trí việc làm: kĩ sư thi công điện có nhiệm vụ chỉ huy và giám sát thi công lắp đặt điện; kĩ thuật viên lắp đặt điện có nhiệm vụ thi công và lắp đặt điện; thợ điện có nhiệm vụ lắp đặt điện.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề lắp đặt điện phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện với vị trí kĩ; sư có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện với vị trí kĩ thuật viên và có trình độ sơ cấp nghề điện với vị trí thợ điện.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề lắp đặt điện cần có kiến thức về kĩ thuật điện, hệ thống điện và thiết bị điện phù hợp với vị trí việc làm; có kĩ năng đọc hiểu sơ đồ thiết kế điện; có kĩ năng lắp đặt điện và sử dụng các công cụ, dụng cụ hỗ trợ lắp đặt điện; kĩ năng sử dụng các công cụ, thiết bị đo lường, kiểm tra mạch điện; có kĩ năng sử dụng các công cụ, dụng cụ bảo hộ  an toàn điện; tuân thủ các quy chuẩn kĩ thuật và an toàn điện.

Vị trí việc làm: Người làm nghề lắp đặt điện làm việc tại hiện trường, trong các công ti điện lực; công ti chiếu sáng đô thị; công ti xây lắp các công trình điện dân dụng và công nghiệp; trong các bộ phận quản lí hệ thống điện các tòa nhà, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp.

IV. VẬN HÀNH ĐIỆN

Mô tả công việc: Vận hành thiết bị điện là các hoạt động nhằm duy trì chế độ làm việc bình thường của hệ thống điện đáp ứng các yêu cầu chất lượng, độ tin cậy và kinh tế. Công việc vận hành điện có phạm vi rộng, từ vận hành các nhà máy điện, lưới truyền tải, phân phối điện đến các mạng điện sản xuất, sinh hoạt,... Nhóm công việc vận hành điện gồm các vị trí việc làm: kĩ sư có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức vận hành hệ thống điện và kĩ thuật viên có nhiệm vụ vận hành hệ thống điện.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề vận hành điện phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện đối với vị trí kĩ sư; có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện đối với vị trí kĩ thuật viên.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề vận hành điện cần có kiến thức về kĩ thuật điện, hệ thống điện và thiết bị điện tương ứng với vị trí việc làm; nắm vững các thông số kĩ thuật, quy trình vận hành của hệ thống điện và thiết bị điện, các quy định và quy chuẩn an toàn trong ngành điện; biết cách xử lí, đảm bảo an toàn điện, tư duy logic, nhận biết được các nguy hiểm tiềm ẩn liên quan đến hệ thống điện và thiết bị điện.

Vị trí việc làm: Nhóm công việc vận hành điện thường làm việc tại các phòng điều hành, quản lí điện của các công ti điện lực; công ti chiếu sáng đô thị; các bộ phận quản lí hệ thống điện trong các tòa nhà, nhà máy, xí nghiệp, các cơ quan, tổ chức.

(Trang 13)

V. BẢO DƯỠNG VÀ SỬA CHỮA ĐIỆN

Mô tả công việc: Bảo dưỡng điện là hoạt động thường kì nhằm duy trì hệ thống điện thiết bị điện hoạt động bình thường tránh hỏng hóc. Sửa chữa điện là hoạt động thực hiện khi có sự cố nhằm phục hồi hệ thống điện thiết bị điện trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Nhóm công việc bảo dưỡng và sửa chữa điện gồm các vị trí việc làm: kĩ sư có nhiệm vụ xác định phương pháp bảo trì và sửa chữa điện; kĩ thuật viên có nhiệm vụ giám sát kĩ thuật và thực hiện hoạt động bảo trì, sửa chữa điện; thợ điện có nhiệm vụ thực hiện bảo trì, sửa chữa điện.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề bảo dưỡng và sửa chữa điện phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện với vị trí kĩ sư, trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện với vị trí kĩ thuật viên và trình độ sơ cấp nghề điện với vị trí thợ điện.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề bảo dưỡng và sửa chữa điện cần có kiến thức chuyên môn về kĩ thuật điện tương ứng với vị trí việc làm; am hiểu về hệ thống điện và thiết bị điện; có kĩ năng thành thạo trong sử dụng các thiết bị đo, thiết bị chẩn đoán lỗi trên hệ thống điện và thiết bị điện; có tư duy logic, khả năng suy luận, chẩn đoán lỗi; có kĩ năng sử dụng các công cụ, dụng cụ bảo hộ, an toàn điện; tuân thủ các quy chuẩn kĩ thuật và an toàn điện.

Vị trí việc làm: Người làm nghề này thường làm việc trong các công ti cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điện; các công ti vận hành lưới điện; các đơn vị vận hành mạng điện trong các tòa nhà, cơ quan, xí nghiệp, vận hành mạng điện công nghiệp, mạng điện chiếu sáng đô thị,...

Luyện tập

Lựa chọn các nội dung dưới đây cho phù hợp với vị trí kĩ sư, kĩ thuật viên và thợ trong lĩnh vực kĩ thuật điện.

A. Có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện.

B. Có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện trở lên.

C. Có trình độ sơ cấp nghề kĩ thuật điện.

D. Có nhiệm vụ trực tiếp lắp đặt, bảo trì, sửa chữa hệ thống điện, đường dây truyền tải điện, máy và thiết bị điện.

E. Có nghiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, chỉ đạo xây dựng, vận hành, bảo trì và sửa chữa hệ thống điện, linh kiện, động cơ và thiết bị điện; nghiên cứu và tư vấn về các khía cạnh công nghệ của vật liệu, sản phẩm và quy trình kĩ thuật điện.

G. Có nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, lắp ráp, xây dựng, vận hành, bảo trì và sửa chữa thiết bị điện và hệ thống phân phối điện.

(Trang 14)

Vận dụng

Đọc thông báo tuyển dụng dưới đây và cho biết công việc được mô tả phù hợp với vị trí việc làm nào?

hinh-anh-bai-2-nganh-nghe-trong-linh-vuc-ki-thuat-dien-12691-2

THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG

1. Mô tả công việc

√ Chịu trách nhiệm việc thiết kế hệ thống điện hạ tầng ngoài nhà từ bước quy hoạch cho đến khi hoàn thiện dự án (trung thế, hạ thế, chiếu sáng và thông tin liên lạc);

√ Lập kế hoạch và đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ;

√ Phối hợp với các đồng nghiệp đưa ra phương án tối ưu cho các công trình;

√ Bảo vệ phương án với các cơ quan chức năng chuyên ngành;

√ Kiểm tra, giám sát các công tác: quy hoạch, khảo sát, thiết kế các công trình,... trong các dự án hạ tầng kĩ thuật;

√ Hướng dẫn, phối hợp các phòng ban, các đơn vị tư vấn thiết kế trong các công việc liên quan đến quy hoạch, thiết kế trong các dự án.

2. Yêu cầu

√ Tốt nghiệp đại học chính quy các chuyên ngành liên quan: truyền tải điện, hệ thống điện, điện công nghiệp;

√ Tối thiểu 3 năm kinh nghiệm ở vị trí tương ứng;

√ Có kiến thức về hệ thống điện;

√ Am hiểu các văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình,... liên quan đến vấn đề thiết kế thi công hệ thống điện;

√ Sử dụng thành thạo các phần mềm Autocad, thiết kế điện,... và các phần mềm ứng dụng trong công tác quản lí thiết kế điện.

3. Thời gian làm việc

√ Làm việc hành chính từ thứ Hai đến thứ Sáu (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ, Tết theo quy định của Nhà nước).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 2: Ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện | Công Nghệ 12 (Công Nghệ Điện - Điện Tử) | Phần Một. Công Nghệ Điện - Chương I. Giới Thiệu Chung Về Kĩ Thuật Điện - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.