Nội Dung Chính
(Trang 51)
MỤC TIÊU, YÊU CẦU CẦN ĐẠT – Thực hiện được kĩ thuật cơ bản đập bóng chính diện theo phương lấy đà. – Vận dụng được kĩ thuật đập bóng chính diện theo phương lấy đà vào tập luyện và đấu tập. – Thể hiện sự yêu thích, tự giác, trung thực, ham học hỏi trong hoạt động vận động. |
MỞ ĐẦU
1. Khởi động
Khởi động chung
– Xoay các khớp.
– Căng cơ tay, căng cơ vai, căng cơ lưng, căng cơ đùi, gập, duỗi gối, ép dẻo dọc – ép dẻo ngang.
– Chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy hất gót, chạy đạp sau, chạy tăng tốc.
Khởi động chuyên môn
– Di chuyển bước lướt, di chuyển bước chéo, chạy biến tốc.
– Ném và bắt bóng bằng hai tay, ném và bắt bóng bằng một tay.
2. Trò chơi hỗ trợ khởi động
VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT TIẾP SỨC
Mục đích: Nâng cao khả năng phản xạ, sự linh hoạt và sức mạnh nhóm cơ chân.
Dụng cụ: Còi, phấn.
Cách thực hiện: Người chỉ huy chia số người chơi xếp thành 2 – 4 hàng dọc đều nhau đứng sau vạch cuối sân 4 m. Khi có hiệu lệnh, người chơi đầu hàng chạy tới vị trí quy định và thực hiện động tác bật xa bằng hai chân qua vạch giới hạn (1,2 m – 1,4 m), tiếp tục chạy tới cuối sân rồi chạy về chạm tay bạn mình để thực hiện tiếp. Đội nào hoàn thành xong nhanh nhất là đội chiến thắng (H.14).
(Trang 52)
Hình 14. Sơ đồ trò chơi Vượt chướng ngại vật tiếp sức
KIẾN THỨC MỚI
Kĩ thuật đập bóng theo phương lấy đà Tư thế chuẩn bị Người tập đứng chân trước chân sau ở tư thế cao, cách lưới khoảng 3 m, thân hơi ngả về trước, hai tay co tự nhiên. Mắt quan sát bóng để xác định vị trí và thời điểm vào đà giậm nhảy (H.15). | Hình 15. Tư thế chuẩn bị |
Thực hiện động tác
Chạy đà
Khi đã xác định được điểm rơi của bóng thì người tập bắt đầu chạy đà, mắt quan sát bóng. Tốc độ chạy đà nhanh dần và hạ thấp thân người. Bước cuối cùng tốc độ nhanh và dài nhất, thân người hạ thấp nhất so với các bước trước để tạo đà cho lực giậm nhảy.
Tại thời điểm thực hiện bước cuối, chân sau nhanh chóng đuổi kịp chân trước, cả hai chân lướt trên mặt sân và đặt vào vị trí giậm nhảy (khoảng cách hai bàn chân rộng bằng vai). Khi hai chân chạm mặt sân thì khuỵu gối, hạ thấp trọng tâm, thân người thẳng, đồng thời hai tay đưa ra sau sát thân người chuẩn bị cho bật nhảy (H.16).
(Trang 53)
Hình 16. Kĩ thuật chạy đà
Giậm nhảy Hai chân đạp mạnh theo phương thẳng đứng, duỗi các khớp gối, khớp hông đồng thời hai tay chuyển động nhanh từ sau – xuống dưới – ra trước – lên cao để phối hợp nâng cơ thể lên cao (H.17). | Hình 17. Kĩ thuật giậm nhảy |
Trên không đập bóng
Sau khi gần độ cao tối đa thì tay đánh bóng (tay thuận) chuyển động lên cao – ra sau, khuỷu tay cao hơn vai, lòng bàn tay hướng về trước, tay còn lại co tự nhiên, hai chân hơi co ở khớp gối, ngực hơi ưỡn, thân người căng như hình cánh cung.
Khi bóng rơi vừa tầm đánh thì tay đánh bóng duỗi nhanh từ sau – lên trên – ra trước đồng thời gập cổ tay để bóng cắm xuống, cùng lúc hóp bụng, gập thân, chân lăng về trước để tăng lực, tay còn lại hạ thấp và co tự nhiên (H.18).
Hình 18. Kĩ thuật trên không đập bóng
(Trang 54)
Kết thúc
Sau khi bóng rời tay, thu nhanh tay để tránh chạm vào lưới. Tiếp xúc mặt sân bằng hai nửa trước của bàn chân đồng thời khuỵu gối, hạ thấp trọng tâm để giảm xung lực. Sau đó nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị (H.19).
Hình 19. Kết thúc động tác
LUYỆN TẬP
1. Bài tập hình thành kĩ thuật đập bóng theo phương lấy đà
Bài tập 1: Tại chỗ mô phỏng động tác đập bóng
Người tập đứng tư thế chuẩn bị cao, thực hiện vung tay đập bóng tại chỗ (không bật nhảy) (H.20).
Hình 20. Tại chỗ mô phỏng động tác đập bóng
(Trang 55)
Bài tập 2: Tại chỗ đập bóng
Người tập đứng tại chỗ, tay trái cầm bóng đưa cao trước mặt, tay đánh bóng thực hiện động tác đập bóng xuống mặt sân trước mặt (H.21).
Hình 21. Tại chỗ đập bóng
Bài tập 3: Tại chỗ đập bóng qua lưới
Người tập đứng tại chỗ, tay trái cầm bóng đưa cao trên mép lưới (lưới thấp ngang đầu người tập), thực hiện đập bóng qua lưới (H.22).
Hình 22. Tại chỗ đập bóng qua lưới
Bài tập 4: Tại chỗ tung – đập bóng
Người tập đứng tại chỗ, tung bóng lên cao và đập bóng xuống sân về trước (H.23).
Hình 23. Tại chỗ tung – đập bóng
(Trang 56)
Bài tập 5: Tại chỗ đập bóng qua lại Hai người tập đứng đối diện cách nhau 6 – 8 m, luân phiên thực hiện động tác tại chỗ đập bóng qua lại (H.24). | Hình 24. Tại chỗ đập bóng qua lại |
Bài tập 6: Mô phỏng bước đà cuối
Người tập đứng tư thế chuẩn bị cao, thực hiện bước đà cuối và dừng lại ở tư thế chuẩn bị giậm nhảy (H.25).
Hình 25. Mô phỏng các bước đà cuối
Bài tập 7: Mô phỏng các bước chạy đà kết hợp giậm nhảy Người tập thực hiện mô phỏng bước đà cuối, các bước chạy đà (3 bước) kết hợp giậm nhảy (không thực hiện động tác đập bóng) và tiếp mặt sân (H.26). | Hình 26. Mô phỏng các bước chạy đà kết hợp giậm nhảy |
(Trang 57)
Bài tập 8: Mô phỏng động tác đập bóng Người tập thực hiện mô phỏng ba bước chạy đà kết hợp giậm nhảy và đập bóng (H.27). | Hình 27. Mô phỏng động tác đập bóng |
Bài tập 9: Đập bóng treo Người tập chạy đà, giậm nhảy và đập bóng được treo cố định (độ cao của bóng phù hợp với khả năng người tập) (H.28). | Hình 28. Đập bóng treo |
Bài tập 10: Đập bóng 1 bước đà Người tập chạy 1 bước đà, giậm nhảy và đập bóng trên lưới. Bóng được tung cao hơn lưới khoảng 1 m bởi bạn cùng tập đứng gần giữa lưới cùng bên sân với người tập (H.29). | Hình 29. Đập bóng một bước đà |
(Trang 58)
Bài tập 11: Đập bóng 3 bước đà
Người tập chạy 3 bước đà, giậm nhảy và đập bóng trên lưới. Bóng được tung cao hơn lưới khoảng 1 m bởi bạn cùng tập đứng gần giữa lưới cùng bên sân với người tập (H.30).
Hình 30. Đập bóng 3 bước đà
2. Hình thức luyện tập
Hình thức 1: Luyện tập cá nhân
Theo hướng dẫn và phân công của giáo viên, người tập chủ động tự thực hiện luyện tập trên lớp hoặc luyện tập ở nhà để bước đầu làm quen với kĩ thuật đập bóng theo phương lấy đà bằng các bài tập 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8.
Hình thức 2: Luyện tập cặp đôi
Từng cặp luân phiên thực hiện động tác và quan sát bạn tập để nhận xét và hỗ trợ nhau thực hiện đúng các giai đoạn trong kĩ thuật đập bóng theo phương lấy đà khi tham gia 11 bài tập trên.
Hình thức 3: Luyện tập nhóm
Nhóm lớn hoặc các nhóm nhỏ theo hướng dẫn và phân công của giáo viên thực hiện luân phiên 11 bài tập trên.
Hình thức 4: Luyện tập đồng loạt
Theo hướng dẫn và phân công của giáo viên, người tập cùng các bạn trong lớp đồng loạt thực hiện các bài tập 1, 6, 7, 8.
• Trò chơi bổ trợ kĩ thuật và phát triển thể lực
THI ĐẬP BÓNG
Mục đích: Phát triển sức mạnh của nhóm cơ tay.
(Trang 59)
Dụng cụ: Bóng chuyền, giỏ đựng bóng.
Cách thực hiện: Người chỉ huy chia số người chơi thành 2 – 4 đội số lượng đều nhau, xếp hàng dọc đứng sau vạch cuối sân. Khi có hiệu lệnh, người chơi đầu hàng mỗi đội lấy bóng ở giỏ và thực hiện động tác đập bóng tại chỗ sao cho bóng rơi vào khu vực quy định đặt cách đó 3 – 4 m. Người đầu hàng thực hiện xong thì bạn tiếp theo mới được thực hiện. Mỗi quả bóng vào đúng khu vực quy định thì được tính 1 điểm, sau thời gian 2 phút, đội nào nhiều điểm hơn thì đội đó chiến thắng (H.31).
Hình 31. Sơ đồ trò chơi Thi đập bóng
VẬN DỤNG
1. Trình bày các giai đoạn thực hiện kĩ thuật đập bóng chính diện theo phương lấy đà.
2. Vì sao cần khuỵu gối, hạ thấp người để hoãn xung trong giai đoạn tiếp đất sau khi thực hiện kĩ thuật đập bóng?
3. Vận dụng kĩ thuật đập bóng chính diện theo phương lấy đà và trò chơi vận động vào tập luyện, vui chơi để rèn luyện sức khoẻ.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn