Nội Dung Chính
(Trang 14)
MỤC TIÊU, YÊU CẦU CẦN ĐẠT – Hiểu biết một số điều luật cơ bản về môn Bóng chuyền. – Vận dụng được những điều luật đã học vào trong tập luyện và thi đấu. – Hợp tác, trao đổi với bạn để hiểu về các điều luật. |
KIẾN THỨC MỚI
Bóng chuyền là môn thể thao thi đấu giữa hai đội chơi trên một sân có lưới phân cách ở giữa. Mục đích trò chơi là đánh bóng qua trên lưới sao cho bóng chạm sân đối phương và ngăn không cho đối phương làm tương tự như vậy với mình. Mỗi đội được chạm bóng 3 lần để đưa bóng sang sân đối phương (không kể lần chắn bóng).
Bóng vào cuộc bằng phát bóng do vận động viên phát bóng qua lưới sang sân đối phương. Một pha bóng chỉ kết thúc khi bóng chạm sân đấu, ra ngoài hoặc một đội bị phạm lỗi.
Trong Bóng chuyền, đội thắng mỗi pha bóng được một điểm. Khi đội đỡ phát bóng thắng một pha bóng, đội đó ghi được một điểm đồng thời giành được quyền phát bóng và các vận động viên đội đó thực hiện di chuyển xoay vòng một vị trí theo chiều kim đồng hồ.
I. SÂN TẬP, DỤNG CỤ
1. Sân thi đấu (Điều 1)
Khu vực sân đấu gồm sân thi đấu và khu tự do. Sân thi đấu Bóng chuyền có hình chữ nhật và đối xứng, kích thước 18 m x 9 m, xung quanh là khu tự do rộng tối thiểu 3 m về tất cả mọi phía. Khoảng không tự do là khoảng không gian trên khu sân đấu mà không có vật cản nào, có chiều cao tối thiểu 7 m tính từ mặt sân (H.1).
(Trang 15)
Hình 1. Các kích thước quy chuẩn của sân bóng chuyền
2. Lưới (Điều 2)
Lưới được căng ngang trên đường giữa sân. Chiều cao mép trên của lưới nam là 2,43 m và của nữ là 2,24 m.
Hai băng giới hạn màu trắng dài 1 m, rộng 5 cm đặt ở hai bên đầu lưới thẳng góc với giao điểm của đường biên dọc và đường giữa sân. Băng giới hạn là một phần của lưới.
Hai cột giới hạn (Ăng-ten) đường kính 10 mm dài 1,8 m đặt đối nhau ở hai bên lưới, được buộc chặt sát với mép ngoài mỗi băng giới hạn. Phần cột giới hạn cao hơn lưới 80 cm, được sơn xen kẽ các đoạn màu tương phản nhau, mỗi đoạn dài 10 cm. Cột giới hạn là một phần của lưới và giới hạn 2 bên của khoảng không gian bóng qua trên lưới (H.2).
Hình 2. Các kích thước quy chuẩn của lưới bóng chuyền
(Trang 16)
3. Các tiêu chuẩn của bóng (Điều 3)
Bóng phải là hình cầu tròn, làm bằng da mềm hoặc da tổng hợp, trong có ruột bằng cao su hoặc chất liệu tương tự. Màu sắc của bóng phải sáng đồng màu, hoặc phối hợp các màu.
Chu vi của bóng: 65 – 67 cm, khối lượng của bóng là 260 – 280 g. Áp lực bên trong của bóng: từ 0,30 đến 0,325 kg/cm2.
II. CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀ TỔ CHỨC TRẬN ĐẤU
1. Được một điểm, thắng một hiệp, thắng trận đấu (Điều 6)
1.1. Được một điểm
Đội ghi được một điểm khi:
– Đưa bóng chạm sân đối phương.
– Do đội đối phương phạm lỗi.
– Đội đối phương bị phạt.
1.2. Thắng một hiệp
Đội thắng một hiệp (trừ hiệp thứ 5 – hiệp quyết thắng) là đội được 25 điểm trước và hơn đội kia ít nhất 2 điểm. Trường hợp hoà 24 – 24, phải đấu tiếp cho đến khi hơn nhau 2 điểm (26 – 24, 27 – 25,...).
1.3. Thắng trận đấu
Đội thắng trận là đội thắng 3 hiệp đấu. Trong trường hợp hoà 2 – 2, hiệp quyết định (hiệp 5) đấu đến 15 điểm và đội thắng phải hơn ít nhất 2 điểm.
2. Tổ chức trận đấu (Điều 7)
2.1. Bốc thăm
Trước trận đấu, trọng tài thứ nhất cho bốc thăm để chọn quyền ưu tiên đội nào phát bóng trước và đội nào chọn sân ở hiệp thứ nhất. Nếu thi đấu hiệp thứ 5 (hiệp quyết định), phải tiến hành bốc thăm lại.
2.2. Đội hình thi đấu của đội
Mỗi đội phải luôn có 6 cầu thủ khi thi đấu. Đội hình thi đấu ban đầu chỉ rõ trật tự xoay vòng của các cầu thủ trên sân. Trật tự này phải giữ đúng suốt hiệp đấu.
2.3. Vị trí (H.3)
– Tại thời điểm vận động viên phát bóng đánh bóng đi thì trừ vận động viên này, các cầu thủ của mỗi đội phải đứng đúng vị trí trên sân mình theo đúng trật tự xoay vòng.
– Vị trí của các vận động viên được xác định theo thứ tự như sau:
+ Ba vận động viên đứng dọc theo lưới là những vận động viên hàng trước: vị trí số 4 (trước bên trái), số 3 (trước giữa) và số 2 (trước bên phải).
+ Ba vận động viên còn lại là các vận động viên hàng sau: Vị trí số 5 (sau trái), số 6 (ở sau giữa) và 1 (sau bên phải).
– Xác định và kiểm tra vị trí các vận động viên bằng vị trí bàn chân chạm đất.
– Sau khi bóng đã phát đi, các vận động viên có thể di chuyển và đứng ở bất kì vị trí nào trên sân của mình và khu tự do.
(Trang 17)
2.4. Xoay vòng (H.3)
Thứ tự xoay vòng theo đội hình đăng kí đầu mỗi hiệp, căn cứ theo đó để kiểm tra trật tự phát bóng và vị trí các vận động viên trong suốt hiệp đấu.
Khi đội đỡ phát bóng giành được quyền phát bóng, các vận động viên của đội phải xoay một vị trí theo chiều kim đồng hồ: Vận động viên ở vị trí số 2 chuyển xuống vị trí số 1 để phát bóng, vận động viên ở vị trí số 1 chuyển sang vị trí số 6,...
Hình 3. Vị trí và trật tự xoay vòng của các cầu thủ
III. CÁCH THỨC ĐÁNH BÓNG (Điều 9)
Mỗi đội phải thi đấu trong khu vực sân đấu và phần không gian của mình. Tuy nhiên, có thể cứu bóng từ ngoài khu tự do.
1. Số lần chạm bóng của đội
– Một đội có quyền chạm bóng tối đa 3 lần (không kể chắn bóng) để đưa bóng sang sân đối phương.
– Chạm bóng liên tiếp: Một vận động viên không được chạm bóng hai lần liên tiếp.
– Cùng chạm bóng: Hai hoặc ba vận động viên có thể chạm bóng trong cùng một thời điểm. Khi hai (hoặc ba) vận động viên trong đội cùng chạm bóng thì tính hai (hoặc ba) lần chạm bóng (trừ chắn bóng). Nếu các vận động viên cùng cố đánh bóng nhưng chỉ có một người chạm bóng thì tính một lần chạm.
– Hỗ trợ đánh bóng: Trong khu vực sân đấu, vận động viên không được phép nhận sự hỗ trợ của đồng đội hoặc bất cứ vật gì để giúp đánh bóng.
2. Tính chất của chạm bóng
Bóng phải được đánh đi không giữ lại, không ném. Bóng có thể nảy ra theo bất cứ hướng nào và có thể chạm nhiều phần trên cơ thể nhưng phải liền cùng một lúc.
(Trang 18)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn