Nội Dung Chính
(Trang 10)
MỤC TIÊU, YÊU CẦU CẦN ĐẠT – Hiểu được sơ giản lịch sử hình thành và phát triển môn Bóng chuyền trên thế giới và tại Việt Nam. – Tự giác tìm hiểu, trao đổi và giúp đỡ bạn cùng học có hiểu biết sơ giản về lịch sử phát triển môn Bóng chuyền. |
KIẾN THỨC MỚI
I. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển môn Bóng chuyền trên thế giới
1. Lịch sử hình thành môn Bóng chuyền
Môn thể thao Bóng chuyền ra đời ở Mỹ (Hoa Kì) vào khoảng năm 1895 do một giáo viên thể dục tên là William G. Morgan nghĩ ra với tên gọi ban đầu là Mintonette. Thời điểm đó, với luật chơi đơn giản, nó được xem như là một trò chơi vận động nhẹ nhàng cho học sinh. Đến năm 1896, cái tên Mintonette đã được đổi thành Volleyball (Bóng chuyền). Môn thể thao này tiếp tục phát triển ở Bắc Mỹ và nhanh chóng lan rộng ra các khu vực khác trên toàn thế giới. Trải qua nhiều năm, các luật chơi do Morgan thiết lập đã được điều chỉnh để thuận lợi nhất cho người chơi. Sau hơn 125 năm phát triển, từ một hình thức chơi đơn giản, Bóng chuyền ngày nay đã trở thành một môn thể thao hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức thi đấu.
(Trang 11)
William G. Morgan (1870-1942)
(Nguồn: FIVB)
2. Lịch sử phát triển môn Bóng chuyền trên thế giới
Cùng với sự thu hút, hấp dẫn và phát triển rộng rãi của môn Bóng chuyền, một cơ quan điều hành quốc tế cho môn Bóng chuyền đã được thành lập vào năm 1947. Tháng 4/1947, đại biểu của 14 nước gồm: Bỉ, Brazil, Tiệp Khắc (Cộng hoà Czech cũ), Ai Cập, Pháp, Hà Lan, Hungari, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Uruguay, Mỹ và Nam Tư (gồm các nước Cộng hoà Bosnia-Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia ngày nay) đã gặp nhau tại thủ đô Paris (Pháp) để tiến hành thành lập Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế (Fédération Internationale de Volleyball, viết tắt là FIVB). Ở hội nghị này, ông Paul Libaud (người Pháp) được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của FIVB.
Tháng 10/1949 Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế đã tổ chức Giải vô địch thế giới Bóng chuyền nam và Giải vô địch châu Âu Bóng chuyền nữ, tổ chức lần đầu tiên tại Praha, Tiệp Khắc (Cộng hoà Czech cũ). Hai đội Bóng chuyền nam, nữ Liên Xô cũ đã giành được chức vô địch.
Sự ra đời của Giải vô địch Bóng chuyền thế giới vào năm 1949 dành cho nam và vào năm 1952 dành cho nữ đã tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của môn thể thao này cho đến thế kỉ XXI.
Năm 1964, lần đầu tiên môn Bóng chuyền được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Thế vận hội Olympic tại Tokyo (Nhật Bản). Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển phổ biến của trò chơi trên phạm vi toàn thế giới.
Từ năm 1964 đến nay, trước yêu cầu phát triển của môn thể thao phạm vi toàn cầu, Bóng chuyền đã có nhiều thay đổi về luật lệ, cũng như chiến thuật thi đấu của vận động viên không ngừng phát triển và hoàn thiện. Chính những điều này đã làm tăng tính hấp dẫn cho môn Bóng chuyền cũng như khích lệ sự xuất hiện của nhiều vận động viên ưu tú và các đội mạnh trên thế giới.
Các đội tuyển Bóng chuyền nữ có thành tích thi đấu được xếp hàng đầu trên thế giới những năm gần đây là các đội của các nước Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Italia,... Ở các đội nam là Brazil, Mỹ, Ba Lan, Nga,...
(Trang 12)
Bóng chuyền hiện là một trong năm môn thể thao quốc tế lớn. FIVB là liên đoàn thể thao quốc tế lớn nhất trên thế giới với 222 liên đoàn quốc gia trực thuộc, trụ sở chính đặt tại thành phố Lausanne, Thuỵ Sĩ.
Tổ chức FIVB hiện nay bao gồm 5 liên đoàn châu lục: Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (bao gồm cả châu Đại Dương) (Asian Volleyball Confederation, AVC), Liên đoàn Bóng chuyền Nam Mĩ (Confederación Sudamericana de Voleibol, CSV), Liên đoàn Bóng chuyền châu Phi (Confédération Africaine de Volleyball, CAVB), Liên đoàn Bóng chuyền châu Âu (Confédération Européenne de Volleyball, CEV), Liên đoàn Bóng chuyền Bắc Mĩ, Trung Mĩ và Caribbean (North, Central America and Caribbean Volleyball Confederation, NORCECA).
Hoạt động chính của FIVB là hoạch định và tổ chức các sự kiện Bóng chuyền. Một số giải đấu chính do FIVB tổ chức như Thế vận hội Olympic, Giải vô địch Bóng chuyền thế giới, Giải Cup thế giới, Giải vô địch trẻ thế giới, Giải vô địch các châu lục,...
II. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển môn Bóng chuyền ở Việt Nam
Theo các nhà nghiên cứu, Bóng chuyền xuất hiện ở Việt Nam khoảng năm 1920 – 1922, được du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau. Thời kì đầu, môn Bóng chuyền chỉ phổ biến trong giới học sinh người Hoa ở Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác.
Năm 1927, trận thi đấu Bóng chuyền đầu tiên được tổ chức giữa người Hoa ở Hải Phòng và Hà Nội.
Năm 1928, giải Bóng chuyền đầu tiên được tổ chức ở miền Bắc giữa 2 đội, một đội người Việt Nam và một đội người Pháp.
Sau tháng 8/1945, cùng với sự phát triển của phong trào thể dục thể thao nói chung, môn Bóng chuyền cũng từng bước mở rộng tới các vùng và mọi miền trong cả nước, với lượng người tham gia đông đảo hơn.
Năm 1956, Hội Bóng chuyền Việt Nam được thành lập nhằm quản lí và có kế hoạch phát triển Bóng chuyền sâu rộng trong quần chúng, nâng cao thành tích cho các đội tuyển Bóng chuyền Việt Nam.
Tháng 3/1957, giải Bóng chuyền toàn miền Bắc lần thứ nhất được tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Bóng chuyền Việt Nam và Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương.
Tháng 10/1957, đội tuyển Bóng chuyền Việt Nam được thành lập, tham dự giải đấu của 4 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Mông Cổ tại thủ đô Bình Nhưỡng, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Năm 1963, đội tuyển Bóng chuyền nước ta tham gia đại hội GANEFO lần I tại Indonesia và xếp hạng 5 (hạng nhất thuộc về Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên).
Giai đoạn 1954 – 1974, được sự quan tâm lãnh đạo của Nhà nước về phong trào thể dục thể thao nói chung và môn Bóng chuyền nói riêng, phong trào quần chúng tham gia tập luyện Bóng chuyền đã được phát triển khá nhanh chóng và lan rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Tính đến năm 1964, toàn miền Bắc có tới 20 000 đội Bóng chuyền nam, nữ, trong đó có 13 đội hạng A nam và 13 đội hạng A nữ (2 đội Bóng chuyền nam, nữ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).
(Trang 13)
Năm 1966, đội tuyển Bóng chuyền nam và nữ Việt Nam đã tham gia Đại hội GANEFO châu Á lần II tại Cambodia và xếp thứ 3.
Năm 1968, giải vô địch toàn miền Bắc có 14 đội hạng A nam và 13 đội hạng A nữ tham gia. Tham gia giải lần này còn có đội tuyển của các trường: đội tuyển nam, nữ Trường Đại học Mỏ-Địa chất, đội tuyển nam Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Cán bộ Thể dục thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh),...
Từ năm 1975 đến nay, đất nước hoà bình, thống nhất, đã tạo cơ hội thuận lợi để phong trào Bóng chuyền phát triển rộng khắp đất nước. Hằng năm, từ cơ sở đến trung ương đều tổ chức các giải Bóng chuyền cho các đối tượng ở hầu hết các tỉnh, thành, ngành. Số đội tham gia thi đấu ngày càng tăng, trình độ chuyên môn của vận động viên và các đội cũng không ngừng được nâng cao.
Năm 1979, lần đầu tiên tổ chức Giải vô địch Bóng chuyền toàn quốc, đội Bộ tư lệnh Biên phòng giành chức vô địch.
Tháng 8/1991, tại Hà Nội, Đại hội Hiệp hội Bóng chuyền Việt Nam lần II đã quyết định đổi tên Hiệp hội Bóng chuyền Việt Nam thành Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (Volleyball Federation of Vietnam, VFV) nhằm thống nhất tổ chức, xây dựng và phát triển phong trào Bóng chuyền cả nước. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam là thành viên chính thức của FIVB và AVC.
Từ năm 1990 đến nay, phong trào Bóng chuyền nước ta phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc, các giải đấu hạng A, đội mạnh quốc gia do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức luôn được sự quan tâm, cổ vũ đông đảo của quần chúng. Các đội tuyển nữ Bóng chuyền có thành tích thi đấu được xếp hàng đầu quốc gia những năm gần đây là các đội Bộ Tư lệnh Thông tin, VTV-Bình Điền-Long An, Ngân hàng Công thương Việt Nam,... Ở các đội tuyển nam là đội Thành phố Hồ Chí Minh, Sanest Khánh Hoà, Tràng An-Ninh Bình, Thể công, Biên phòng,... Cùng với các môn thể thao khác, Bóng chuyền là một trong những môn thể thao hấp dẫn được đưa vào nội dung thi đấu chính thức của Hội khoẻ Phù Đổng các cấp và được đông đảo học sinh tham gia tập luyện thường xuyên.
Cùng hoà nhập với phong trào thể thao quốc tế, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều giải thi đấu Bóng chuyền quốc tế và khu vực. Các đội tuyển Bóng chuyền nam và nữ nước ta luôn được đánh giá là có khả năng phát triển cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
VẬN DỤNG
1. Môn Bóng chuyền ra đời như thế nào?
2. Tên gọi bằng tiếng Anh của môn Bóng chuyền là Volleyball có gợi ý gì cho các em về cách chơi của môn Bóng chuyền không?
3. Tên viết tắt của Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam là gì?
4. Bóng chuyền được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic vào năm nào? Điều này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của môn Bóng chuyền?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn