Nội Dung Chính
(Trang 29)
Thông thường, một báo cáo địa lí sẽ được thực hiện theo các bước sau đây:
Hình 1. Các bước viết một báo cáo địa lí
Bước 1
Xác định ý tưởng và lựa chọn vấn đề viết báo cáo
Bước 2
Xây dựng đề cương báo cáo
Bước 3
Thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin
Bước 4
Viết báo cáo và lựa chọn cách trình bày
Bước 5
Tổ chức báo cáo kết quả
Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào mục đích và yêu cầu của vấn đề tìm hiểu, người học sẽ thực hiện một cách linh hoạt các bước để viết một báo cáo địa lí.
1. Xác định ý tưởng và lựa chọn vấn đề
Ý tưởng của một vấn đề địa lí có thể hình thành từ nhiều trường hợp khác nhau, cụ thể như trong quá trình nghe giảng, người học cảm thấy hứng thú và tò mò với một nội dung nào đó trong bài học; hoặc có thể đến từ gợi ý của giáo viên và cũng có thể nảy sinh từ việc quan sát thực tế cuộc sống, qua việc đọc sách, báo và xem truyền hình.
Từ việc lựa chọn ý tưởng cho vấn đề muốn tìm hiều, học sinh sẽ xác định tên của bài báo cáo địa lí. Tên của một bài báo cáo địa lí cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Ngắn gọn, sử dụng ngôn ngữ khoa học.
- Thể hiện rõ vấn đề muốn tìm hiểu và mục đích của người viết báo cáo.
- Bao quát được đối tượng, phạm vi và khoảng thời gian tìm hiều vấn đề.
? Đọc thông tin mục 1, hãy lựa chọn vấn đề địa lí muốn tìm hiểu và đặt tên cho báo cáo địa lí.
2. Xây dựng đề cương báo cáo
Sau khi lựa chọn được ý tưởng và xác định được tên của báo cáo địa lí, bước tiếp theo cho công việc viết báo cáo chính là xây dựng đề cương, từ đó xác định được những nhiệm vụ cần thiết phải thực hiện cho bài báo cáo.
(Trang 30)
1. Ý nghĩa của vấn đề Trình bày được ý nghĩa của việc tìm hiểu vấn đề đã lựa chọn. Ví dụ: Báo cáo về vấn đề phát triển dịch vụ của một đơn vị hành chính, cần xác định ý nghĩa về kinh tế, xã hội, môi trường.... 2. Khả năng của vấn đề Trình bày, đánh giá được các điều kiện, tiềm năng phát triển (các nhân tố tự nhiên và nhân tố kinh tế – xã hội) của hiện tượng/quá trình địa lí tự nhiên hoặc kinh tế – xã hội. Ví dụ: Báo cáo về vấn đề phát triển ngành trồng trọt của một đơn vị hành chính, cần xác định được điều kiện phát triển của ngành trồng trọt (bao gồm các nhân tố tự nhiên như địa hình, đất, khí hậu, nguồn nước, sinh vật và các nhân tố kinh tế – xã hội như: dân cư và nguồn lao động, cơ sở vật chất – kĩ thuật, chính sách, thị trường,...). 3. Thực trạng của vấn đề Phân tích và giải thích được tình hình phát triển của hiện tượng/quá trình địa lí tự nhiên hoặc kinh tế – xã hội. Ví dụ: Báo cáo về vấn đề phát triển một ngành công nghiệp của một đơn vị hành chính, cần xác định được tỉnh hình phát triển và phân bố của ngành công nghiệp. 4. Đề xuất hướng giải quyết Trên cơ sở khả năng và thực trạng, người học đề xuất một số giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề. Ví dụ: Báo cáo về vấn đề đặc điểm dân cư và lao động của một đơn vị hành chính, cần xác định hướng giải quyết các vấn đề dân cư và lao động. |
? Dựa vào thông tin ở mục 2, hãy xây dựng đề cương cho bài báo cáo địa lí cho vấn đề đã chọn trong mục 1.
3. Thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin
- Thu thập thông tin là quá trình xác định nhu cầu thông tin, tìm nguồn thông tin, tập hợp thông tin theo yêu cầu nhằm đáp ứng mục tiêu viết báo cáo địa lí.
Các nguồn thông tin có thể thu thập cho việc viết báo cáo địa lí là:
+ Nội dung kiến thức có liên quan với vấn đề tìm hiểu trong chương trình phổ thông (sách giáo khoa, sách tham khảo).
+ Các tạp chí/sách khoa học, niên giám thống kê của cả nước hoặc địa phương, tranh ảnh, tài liệu địa phương.
+ Các website trên internet có nguồn thông tin đáng tin cậy.
+ Nguồn thông tin từ những người trong gia đình, người dân địa phương và các cơ quan quản lí ở địa phương.
+ Các nguồn khác: thông qua quan sát thực tế, thực hiện phỏng vấn, điều tra.
Căn cứ vào phạm vi và mục đích của bài báo cáo, người học lựa chọn các nguồn thông tin phù hợp.
(Trang 31)
- Xử lí và hệ thống hoá thông tin
Căn cứ vào các thông tin đã thu thập, người viết sẽ tiến hành xử lí và hệ thống hoá thông tin. Việc xử lí thông tin và hệ thống hóa thông tin gồm các thao tác cơ bản dưới đây:
Hình 2. Các thao tác xử lí, hệ thống hoá thông tin
1. Tập hợp, phân loại thông tin
2. Chuẩn hoá, phân tích, sàng lọc thông tin
3. Đánh giá và hệ thống hoá thông tin
+ Tập hợp, phân loại thông tin
Trong nội dung này, người học cần tập hợp các nguồn thông tin đã thu thập, sau đó phân loại các thông tin thành các nhóm: kênh hình, kênh chữ, số liệu.
+ Chuẩn hoá, phân tích, sàng lọc thông tin
Trên cơ sở thông tin đã được tập hợp, phân loại cần tiến hành phân tích sàng lọc thông tin đề loại bỏ đi những thông tin không phù hợp.
+ Đánh giá và hệ thống hoá thông tin
Sau quá trình phân tích, tổng hợp, sàng lọc thông tin, người viết sẽ đánh giá và hệ thống hoá nguồn tài liệu tham khảo cho bài báo cáo.
? Dựa vào thông tin trong mục 3, hãy:
- Trình bày cách thu thập thông tin.
- Nêu những công việc cần thực hiện khi xử lí và hệ thống hoá thông tin.
4. Viết báo cáo và lựa chọn cách trình bày
Dựa vào đề cương chi tiết và nguồn thông tin đã xử lí, hệ thống hoá, người học tiến hành viết báo cáo. Tiếp theo, gửi giáo viên nhận xét và góp ý. Sau đó, học sinh hoàn thiện bài báo cáo.
Một báo cáo địa lí có thể được trình bày bằng nhiều hình thức khác nhau: dưới dạng một bài viết, một bài trình chiếu powerpoint hoặc các hình thức đa phương tiện như tập san hình ảnh, video clip....
Khi viết bài báo cáo, người học cần lưu ý một số yêu cầu sau:
- Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, khoa học; hạn chế viết tắt và tránh sử dụng từ "lóng" hay thể hiện cảm xúc cá nhân.
- Xây dựng hệ thống nội dung và đánh số thứ tự đề bài báo cáo địa lí được mạch lạc.
- Kết hợp kênh chữ với kênh hình (tranh ảnh, sơ đồ, biểu đồ, bảng số liệu thống kê, lược đồ,...) để minh hoạ cho các nhận định trong bài báo cáo. Khi trình bày hệ thống các kênh hình nên theo quy tắc: tên hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ nằm phía dưới hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ; tên bảng số liệu nằm phía trên bảng; có trích dẫn nguồn thu thập thông tin.
(Trang 32)
Với các bài báo cáo trình bày với hình thức powerpoint, cần lưu ý với việc chọn font chữ, kích thước chữ sao cho phù hợp. Đồng thời, cần chọn hiệu ứng đơn giản, phù hợp với nội dung bài báo cáo. Với bài báo cáo trình bày dưới hình thức video clip thì việc chọn lựa âm thanh, hình ảnh,... cần phù hợp với nội dung của bài báo cáo.
Người viết báo cáo có thể lựa chọn một hoặc kết hợp nhiều hình thức trình bày bài báo cáo khác nhau. Việc đa dạng các hình thức trình bày bài báo cáo địa lí giúp người học được lựa chọn sản phẩm theo đúng sở thích, khả năng và năng lực của người viết.
? Dựa vào thông tin trong mục 4, hãy cho biết những hình thức và lưu ý trình bày báo cáo địa lí.
5. Tổ chức báo cáo kết quả
Khi thuyết trình về vấn đề tìm hiểu, cần lưu ý:
- Trình bày ngắn gọn, đúng thời gian quy định.
- Điều chỉnh giọng nói phù hợp về âm lượng, ngữ điệu.
- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, cử chỉ để tăng tính tương tác với người nghe.
- Khích lệ người nghe tham gia vào bài thuyết trình thông qua việc đặt câu hỏi tương tác.
? Dựa vào thông tin trong mục 5, hãy cho biết những lưu ý khi trình bày bài báo cáo địa lí.
THỰC HÀNH VIẾT BÁO CÁO ĐỊA LÍ Lựa chọn một vấn đề trong các lĩnh vực: địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí kinh tế, môi trường và phát triển bền vững trong chương trình Địa lí 10 hoặc địa lí địa phương đề viết báo cáo về vấn đề đó. Gợi ý một số vấn đề địa lí có thể thực hiện viết báo cáo địa lí: - Tìm hiều đặc điểm dân số của thế giới, Việt Nam hoặc địa phương. - Tìm hiểu hoạt động sản xuất một ngành nông nghiệp của thế giới, Việt Nam hoặc địa phương. - Tìm hiểu vấn đề sản xuất nông nghiệp xanh (nông nghiệp hữu cơ) của thế giới, Việt Nam hoặc địa phương. - Tìm hiểu hoạt động sản xuất một ngành công nghiệp của thế giới, Việt Nam hoặc địa phương. - Tìm hiều sự phát triển một ngành dịch vụ của thế giới, Việt Nam hoặc địa phương. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn