Nội Dung Chính
(Trang 130)
Sau khi học xong bài này, em sẽ: - Trình bày được cấu tạo, nguyên lí hoạt động của hệ thống phanh thường gặp. - Nhận biết được một số nội dung cơ bản về sử dụng, bảo dưỡng hệ thống phanh. - Nhận biết được một số nội dung cơ bản về sử dụng ô tô an toàn. |
Hình 25.1
- Hai xe trong hình vẽ đang cách nhau 50 mét. Theo em, hai xe có khả năng va chạm vào nhau hay không? Gặp tình huống trên, người lái xe cần phải làm gì?
- Cần lưu ý những gì để sử dụng ô tô an toàn?
Trên ô tô có hệ thống phanh chính và hệ thống phanh đỗ. Hệ thống phanh chính của ô tô được sử dụng trong quá trình chuyển động, hệ thống phanh đỗ của ô tô được sử dụng để giữ xe đứng yên trong thời gian dài, nhất là khi người lái rời khỏi xe.
Các loại hệ thống phanh chính phổ biến trên ô tô hiện nay bao gồm hệ thống phanh thuỷ lực (thường dùng trên ô tô con), hệ thống phanh khí nén và hệ thống phanh thuỷ lực – khí nén kết hợp (thường dùng trên ô tô tải lớn).
I - HỆ THỐNG PHANH THUỶ LỰC
1. Cấu tạo
Hệ thống phanh thuỷ lực gồm hai phần (Hình 25.2): các cơ cấu phanh (cơ cấu phanh trước (3), cơ cấu phanh sau (4)) và bộ phận dẫn động điều khiển phanh (gồm cụm xi lanh chính (1), các đường ống thuỷ lực (2)).
Khám phá
Hãy đọc mục 1 và cho biết các bộ phận chính của hệ thống phanh. |
(Trang 131)
Cơ cấu phanh có chức năng tạo ra mô men phanh bánh xe (braking torque). Có hai loại cơ cấu phanh thông dụng là cơ cấu phanh đĩa và cơ cấu phanh tang trống. Hầu hết cơ cấu phanh trên ô tô hiện nay đều tạo ra mô men phanh nhờ ma sát giữa hai nhóm chi tiết: một chi tiết quay cùng với bánh xe (đĩa phanh, trống phanh) và một nhóm chi tiết cố định (má phanh).
Bộ phận dẫn động điều khiển phanh có chức năng tiếp nhận lực tác động của người lái xe và tạo ra lực tại cơ cấu phanh để tạo ra mô men phanh có giá trị tương ứng với mức độ tác động phanh của người lái.
Hình 25.2. Hệ thống phanh trên ô tô con
1. Xi lanh chính
2. Đường ống thuỷ lực
3. Cơ câu phanh trước (đĩa)
4. Cơ cấu phanh sau (tang trống)
2. Nguyên lí hoạt động
Hoạt động của hệ thống phanh thuỷ lực sử dụng cơ cấu phanh đĩa trên Hình 25.3 như sau: khi người lái tác dụng lực điều khiển lên bàn đạp phanh (1), lực đẩy tác dụng lên pít tông sơ cấp (3) làm nó dịch chuyển và đẩy dầu thuỷ lực trong khoang A theo đường ống thuỷ lực đền của hai cơ cấu phanh. Áp suất dầu tại khoang A tạo ra áp lực tác dụng lên pít tông thứ cấp (4) làm nó dịch chuyển sang bên trái và đầy dầu trong khoang B đến các cơ cấu phanh còn lại. Áp suất dầu trong xi lanh công tác (6) tạo ra áp lực đầy pít tông (7) và má phanh (8) ép chặt vào đĩa phanh (9). Ma sát giữa đĩa phanh và các má phanh tạo ra mô men phanh bánh xe.
Khám phá
Hãy quan sát sơ đồ Hình 25.3 kết hợp với đọc mục 2 và cho biết: - Vì sao má phanh ép chặt được vào đĩa phanh? - Việc thiết kế hai pít tông (số 3 và 4) trong xi lanh chính nhằm mục đích gì? |
(Trang 132)
Hình 25.3. Sơ đồ nguyên lí hệ thống phanh thuỷ lực dùng cơ cấu cấu phanh đĩa
Thông tin bổ sung
- Lực phanh là thành phần lực cản chuyển động xuất hiện tại vùng tiếp xúc giữa bánh xe với mặt đường khi có mặt mô men phanh trên bánh xe. Giá trị lực phanh phụ thuộc vào mô men phanh trên bánh xe và bị giới hạn bởi khả năng bám của bánh xe với mặt đường. - Hệ thống chống trượt lết bánh xe khi phanh (ABS) đã được trang bị trên phần lớn ô tô con hiện nay. Tuy nhiên, cần lưu ý là ABS không đảm bảo chắc chắn xe sẽ không mất an toàn giao thông trên đường trơn trượt. |
Xi lanh chính được thiết kế có hai pít tông (3 và 4) để tạo ra hai khoang dầu (A và B), mỗi khoang nổi đến các cơ cấu phanh trên một số bánh xe nhất định (gọi là dòng dẫn động phanh), giúp tăng độ tin cậy và tính năng an toàn.
Ma sát giữa má phanh và đĩa phanh, làm nóng và mòn má phanh. Khe hở giữa má phanh và đĩa phanh do đó sẽ tăng dần theo thời gian sử dụng và gây ảnh hưởng đến hiệu quả phanh. Cơ cấu phanh trong hệ thống phanh thuỷ lực ngày nay được thiết kế để có thể tự động điều chỉnh khe hở đó.
(Trang 133)
II - HỆ THỐNG PHANH KHÍ NÉN
1. Cấu tạo
Hệ thống phanh khí nén cũng bao gồm các cơ cấu phanh và hệ thống dẫn động điều khiển.
Sơ đồ cấu tạo hệ thống phanh khí nén như trên Hình 25.4. Các cơ cấu phanh (6) được đặt tại các bánh xe, bao gồm các bộ phận chính:
- Trống phanh (11) lắp cố định với moay-ơ bánh xe, luôn quay cùng với bánh xe.
- Hai guốc phanh (9) quay được quanh các chốt (12). Các chốt được lắp cố định trên mâm phanh (gắn với dầm cầu xe).
- Cam ép (8) quay được quanh trục của nó dưới tác dụng của lực đẩy của khí nén từ bầu phanh (7).
Hệ thống dẫn động phanh bao gồm máy nén khí (1), các đường ống dẫn khí nén (2), các bình chứa khí nén (3), van phân phối (4) và bàn đạp phanh (5).
Hình 25.4. Sơ đồ nguyên lí hệ thống phanh khí nén
1. Máy nén khí
2. Các đường ống dẫn khí nén
3. Các bình chứa khí nén
4. Van phân phối
5. Bàn đạp phanh
6. Các cơ cấu phanh
7. Bầu phanh
8. Cam ép
9. Guốc phanh
10. Má phanh
11. Trống phanh
12. Chốt quay
Khám phá
Hãy quan sát sơ đồ Hình 25.4 và cho biết: Má phanh ép vào trống phanh dưới tác dụng của lực nào? |
(Trang 134)
2. Nguyên lí hoạt động
Máy nén khí đẩy khí nén qua đường ống dẫn đến các bình chứa. Khi người lái xe đạp bàn đạp phanh, các van khí trong van phân phối mở ra, khí nén từ các bình chứa đi đến các cơ cấu phanh. Khí nén trong bầu phanh tạo áp lực làm quay cam ép, hai guốc phanh quay quanh các chốt (12) và ép chặt vào trống phanh (11). Lực ma sát giữa các má phanh và trống phanh tạo ra mô men phanh.
Khác với cơ cấu phanh trong hệ thống phanh thuỷ lực, cơ cấu phanh trong hệ thống phanh khí nén không tự động điều chỉnh khe hở giữa má phanh và trống phanh. Khe hở này cần được kiểm tra và điều chỉnh trong khi bảo dưỡng theo định kì.
Thông tin bổ sung
Hệ thống phanh đỗ cũng bao gồm cơ cấu phanh và bộ phận dẫn động điều khiển. Cơ cấu phanh đỗ có thể được thiết kế tại một số bánh xe hoặc ngay trên hệ thống truyền lực và thường được dẫn động điều khiển bằng cần kéo (hoặc bàn đạp) thông qua dây cáp. |
Luyện tập
Hãy so sánh hệ thống phanh khí nén với hệ thống phanh thuỷ lực. |
III – SỬ DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG PHANH
Hệ thống phanh cần phải được sử dụng đúng cách và được kiểm tra, bảo dưỡng đầy đủ theo định kì để nó luôn hoạt động hiệu quả và tin cậy, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Khám phá
Hãy đọc mục III và cho biết các lưu ý để sử dụng hệ thống phanh an toàn. |
Vị trí các đèn cảnh báo | Hình dáng đèn báo | Nơi xuất hiện tình trạng bất thường |
![]() | ![]() | Hệ thống phanh chính |
![]() | Hệ thống phanh đỗ | |
![]() | Hệ thống điều khiển tự động |
Hình 25.5. Đèn cảnh báo tình trạng bất thường trên bảng thông tin tín hiệu
(Trang 135)
Trước khi khởi động động cơ, cần kiểm tra các tín hiệu cảnh báo tình trạng bất thường (nếu có) của hệ thống phanh trên bảng thông tin tín hiệu của xe (Hình 25.5) và vận hành thử hệ thống phanh. Nếu thấy bất thường, hệ thống phanh cần được kiểm tra, khắc phục trước khi khởi hành.
Trong khi đang lái xe nếu thấy đèn cảnh báo trạng thái bất thường của hệ thống phanh chính bật sáng, cần đạp phanh để kiểm tra lực bàn đạp và hiệu lực phanh. Nếu lực bàn đạp nhẹ bất thường hoặc hiệu lực phanh kém cần dừng xe và sửa chữa ngay. Trường hợp lực bàn đạp và hiệu lực phanh vẫn bình thường hãy đưa xe đến cơ sở dịch vụ kĩ thuật ô tô để được kiểm tra khắc phục ngay khi có thể.
Định kì hằng tháng hoặc trước các chuyến đi xa, cần kiểm tra lượng dầu trong bình chứa dầu phanh để đảm bảo dầu phanh còn đủ theo yêu cầu, kiểm tra tình trạng hoạt động của các đèn báo phanh,...
Luyện tập
Hãy lập danh mục các nội dung cần kiểm tra đối với hệ thống phanh trước khi khởi hành một chuyến đi xa. |
IV – AN TOÀN KHI THAM GIA GIAO THÔNG
Trong quá trình ô tô hoạt động, có rất nhiều yếu tố khách quan (như đường vòng quanh co, trơn trượt, không bằng phẳng; thời tiết xấu gây hạn chế tầm nhìn xa; mật độ phương tiện giao thông....) và chủ quan (vận hành, sử dụng không đúng cách; không kiểm tra, bảo dưỡng xe đúng khuyến cáo,...) tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.
Người sử dụng, vận hành ô tô cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
- Không được lái xe khi hơi thở có nồng độ cồn.
- Phải thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô.
- Phương tiện tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ (hướng dẫn của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, các biển báo hiệu, vạch kẻ đường....).
- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều, phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
- Người điều khiển xe phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình.
- Người điều khiển xe phải báo hiệu xin vượt xe đi phía trước và chỉ được vượt khi đảm bảo điều kiện an toàn.
- Chỉ dừng, đỗ xe nơi quy định hoặc nơi có lề đường rộng; chỉ được rời khỏi xe sau khi đã thực hiện các biện pháp an toàn,...
(Trang 136)
Khám phá
Từ nội dung mục IV hãy: - Nêu các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông. - Nêu các quy định đối với người lái xe để đảm bảo an toàn giao thông. |
Thông tin bổ sung
Trên nhiều ô tô hiện đại có lắp thêm các hệ thống có vai trò chủ động duy trì trạng thái chuyển động an toàn của xe (như ABS, ESC,...) và các hệ thống có vai trò hạn chế thiệt hại về sức khoẻ cho người sử dụng xe trong tình huống xảy ra tai nạn (như đai an toàn, túi khí,...). Túi khí kết hợp với việc thắt đai an toàn đúng cách giúp tăng thêm khả năng bảo vệ cho người ngồi trên xe khi xảy ra tai nạn. Hình 25.6. Đai an toàn và túi khí |
Ngoài ra, việc thực hiện các khuyến cáo của nhà sản xuất ô tô cũng cần thiết để góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Các khuyến cáo đối với người ở trên xe: điều chỉnh ghế đúng (ghế lùi xa nơi lắp túi khí, lưng ghế thẳng); ngồi đúng tư thế (ngồi thẳng ở giữa ghế); quan sát các phương tiện tham gia giao thông khác ở phía trước và phía sau xe trước khi mở cửa xe, không mở cửa xe hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn,...
Các khuyến cáo đối với người lái xe:
- Thường xuyên theo dõi và kiểm tra tình trạng kĩ thuật của xe, đảm bảo xe được bảo dưỡng đúng định kì.
- Tìm hiểu kĩ hướng dẫn sử dụng xe của nhà sản xuất.
- Trước khi lên xe, cần chú ý quan sát tình trạng áp suất lốp của tất cả các bánh xe và bơm đủ áp suất lốp.
- Điều chỉnh vị trí ghế và các gương hỗ trợ quan sát cho phù hợp nhất, thắt đai an toàn trước khi khởi động động cơ.
- Khi lái xe trên các đoạn đường trơn như đường ướt, có băng tuyết, bùn hay cát.... hoặc trong thời tiết mưa mù hạn chế tầm nhìn cần phải cho xe đi chậm hơn và tránh phanh gấp hoặc quay vành lái đột ngột.
- Không quay vành lái đột ngột ở tốc độ cao, giảm tốc độ khi đi vào đường vòng, quanh co.
(Trang 137)
- Không tắt động cơ khi xe đang chạy. Sử dụng số truyền thấp thích hợp khi xe chuyển động xuống đèo dốc dài để hạn chế tốc độ của xe, tránh sử dụng hệ thống phanh chính liên tục.
- Trước khi rời khỏi ghế, người lái xe phải kéo (hoặc đạp) cần phanh đỗ hết mức và tắt động cơ.
Luyện tập
1. Hãy nêu các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn giao thông của ô tô. 2. Hãy sắp xếp các nội dung khuyến cáo đối với người lái xe ứng với hai trường hợp: - Khuyến cáo khi xe đang chuyển động. - Khuyến cáo khi xe không chuyển động. 3. Hãy quan sát điều kiện đường giao thông trong Hình 25.7 và cho biết cần phải điều khiển ô tô như thế nào khi hoạt động trên đoạn đường đó. Hình 25.7. Đường đèo dốc dài, quanh co |
Vận dụng
1. Hãy tìm hiểu hệ thống phanh trên xe máy hoặc xe đạp và cho biết chúng có điểm gì giống và khác với hệ thống phanh ô tô. 2. Hãy cho biết vì sao phải về số thấp thích hợp khi xe chuyển động xuống đèo, dốc dài. 3. Hãy tìm hiểu quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ và cho biết những hành vi bị nghiêm cấm khi lái ô tô, xe máy. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn