Nội Dung Chính
(Trang 31)
Mục tiêu, yêu cầu cần đạt
– Thực hiện được kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân.
– Phán đoán và xử lí được tình huống trong phối hợp đồng đội.
– Biết điều chỉnh, sửa sai trong quá trình luyện tập.
– Chủ động giữ an toàn cho bản thân và các bạn trong luyện tập.
MỞ ĐẦU
1. Khởi động
a) Khởi động chung
– Chạy theo địa hình tự nhiên.
– Xoay các khớp.
b) Khởi động chuyên môn
– Chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy đạp sau, chạy tăng tốc độ, chạy chuyển hướng.
– Chạy đá lăng cẳng chân ra trước, sang hai bên, vào trong; dẫn bóng bằng lòng bàn chân trên đường thẳng, đường vòng; tâng bóng bằng đùi.
2. Trò chơi hỗ trợ khởi động: Tranh bóng (H.1)
• Chuẩn bị: Các bạn tham gia trò chơi được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm đứng thành một vòng tròn, một bạn ở trong vòng tròn để tranh bóng.
• Thực hiện: Các bạn đứng trên vòng tròn đá chuyền bóng cho nhau, bạn trong vòng tròn tìm cách tranh bóng. Bạn bị tranh bóng phải vào thay thế.
Hình 1. Trò chơi Tranh bóng
KIẾN THỨC MỚI
– Đá bóng bằng mu giữa bàn chân là kĩ thuật có thể tạo ra lực đá bóng mạnh, có đường bóng ổn định và độ chính xác cao, thường được sử dụng để chuyền bóng xa, đá bóng vào cầu môn.
– Kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân gồm 5 giai đoạn: chạy đà, đặt chân trụ, vung chân lăng, tiếp xúc bóng và kết thúc.
1. Kĩ thuật đứng tại chỗ đá bóng bằng mu giữa bàn chân
• TTCB: Đứng chân trước chân sau, chân không thuận (chân trụ) đặt trước, bàn chân đặt ngang với bóng, cách bóng 10 – 15 cm và thẳng hướng đá bóng đi. Chân thuận (chân đá bóng) đặt sau, cách chân trước một bước, hai tay co tự nhiên, trọng lượng cơ thể dồn nhiều lên chân trước (H.2a).
• Thực hiện: Đưa nhanh chân thuận từ sau ra trước, khớp gối co, bàn chân duỗi thẳng hướng xuống đất và dùng mu giữa bàn chân đá vào phần giữa, phía sau bóng (H.2b).
• Kết thúc: Chân đá bóng tiếp tục lăng ra trước theo hướng bóng đi, bước ra trước một hoặc hai bước để hoãn xung và giữ thăng bằng (H.2c).
Hình 2. Kĩ thuật đứng tại chỗ đá bóng bằng mu giữa bàn chân
a)
b)
c)
TTCB
2. Phối hợp kĩ thuật chạy đà và kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân
• TTCB: Đứng sau bóng, cách bóng 1, 3 hoặc 5 bước. Chân thuận (chân đá bóng) đặt trước, bàn chân hướng về phía bóng. Chân không thuận (chân trụ) đặt sau, cách chân trước một bước, trọng lượng cơ thể dồn đều trên hai chân (H.3a).
• Thực hiện: Chạy ra trước 1, 3 hoặc 5 bước, hướng chạy đà thẳng với hướng đá bóng đi (H.3b), ở bước cuối vươn dài chân ra trước để đặt chân trụ và đá bóng (H.3c, H.3d). Bàn chân trụ tiếp đất từ gót và chuyển thành cả bàn chân, khớp gối hơi khuỵu.
• Kết thúc: Bước ra trước 1 – 3 bước để giảm tốc độ chuyển động của cơ thể và giữ thăng bằng (H.3e).
(Trang 33)
Hình 3. Phối hợp kĩ thuật chạy đà và kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân
a)
b)
c)
d)
TTCB
LUYỆN TẬP
1. Luyện tập
a) Luyện tập cá nhân
– Luyện tập không bóng: Tại chỗ và di chuyển mô phỏng động tác đặt chân trụ, vung chân đá bóng kết hợp bàn chân duỗi thẳng hướng xuống mặt sân.
– Luyện tập có bóng:
+ Tại chỗ đá bóng vào tường với cự li 5 – 7 m, tăng dần lực và cự li đá bóng (H.4).
+ Chạy đà 3 – 5 bước, đá bóng vào tường với cự li 5 – 7 m.
Hình 4. Tại chỗ đá bóng vào tường
5 -7 m
(Trang 34)
b) Luyện tập cặp đôi
– Luân phiên giữ bóng bằng gan bàn chân giúp bạn thực hiện kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân.
– Đứng tại chỗ đá bóng cho bạn bằng mu giữa bàn chân với cự li 8 – 10 m (H.5).
Hình 5. Hai bạn phối hợp đá bóng bằng mu giữa bàn chân
c) Luyện tập nhóm
Luân phiên chỉ huy nhóm luyện tập đá bóng bằng mu giữa bàn chân:
– Chạy đà 3 – 5 bước đá bóng cho cho bạn với cự li 10 – 12 m.
Đá bóng vào cầu môn với cự li 8 – 10 m.
Hình 6. Luyện tập đá bóng vào cầu môn bằng mu giữa bàn chân
(Trang 35)
2. Trò chơi vận động: Thi đá bóng vào cầu môn (H.7)
• Mục đích: Rèn luyện kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân.
• Chuẩn bị: Các bạn tham gia trò chơi được chia thành nhiều đội có số người bằng nhau, mỗi đội đứng thành một hàng dọc sau vạch chuẩn bị.
• Thực hiện: Lần lượt từng bạn đặt bóng và đá bóng vào cầu môn bằng mu giữa bàn chân, trong lượt chơi, mỗi bạn chỉ được đá một lần. Đội có số lần đá bóng vào cầu môn nhiều nhất là đội thắng cuộc.
Hình 7. Trò chơi Thi đá bóng vào cầu môn
VẬN DỤNG
1. Vận dụng kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân để luyện tập và thi đấu.
2. Tại sao kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân có thể tạo ra lực đá bóng mạnh hơn kĩ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân?
3. Trong thi đấu bóng đá, kĩ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân thường được sử dụng trong các tình huống nào?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn