Nội Dung Chính
(Trang 34)
MỤC TIÊU, YÊU CẦU CẦN ĐẠT
– Thực hiện được kĩ thuật bắt và chuyền bóng bằng hai tay trước ngực.
– Biết điều chỉnh, sửa sai động tác; biết phán đoán và xử lí tình huống khi phối hợp với đồng đội.
– Thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực chủ động và có niềm say mê, thích thú trong việc học tập, rèn luyện và thi đấu bóng rổ.
MỞ ĐẦU
1. Khởi động
– Khởi động chung: Chạy vòng quanh sân bóng rổ, sau đó thực hiện các động tác căng cơ: Căng cơ vai, tay, cổ, cơ lưng, cơ đùi, ép dẻo dọc – ép dẻo ngang. Chạy bước nhỏ, nâng cao đùi, chạy đạp sau, chạy hất gót, chạy tăng tốc.
– Khởi động chuyên môn: Thực hiện kĩ thuật chạy đổi hướng và trượt ngang phòng thủ. Thực hiện các động tác khởi động với bóng: Vỗ bóng bằng một tay – hai tay, tung bóng bằng một tay – hai tay lên cao rồi bắt lại, tung bóng bằng một tay – hai tay qua lại.
2. Trò chơi hỗ trợ khởi động
NHẶT BÓNG TIẾP SỨC
Mục đích: Giúp người chơi khởi động và làm quen với bóng. Bổ trợ khả năng linh hoạt và phối hợp vận động.
Dụng cụ: Quả bóng rổ, đồng hồ bấm giờ.
Cách thực hiện: Tuỳ theo số lượng, người chơi chia thành nhiều đội, mỗi đội khoảng 5 – 6 người. Người chỉ huy dùng 10 quả bóng rổ, để rải rác trên sân. Khi có hiệu lệnh “Bắt đầu”, một người chơi của đội sẽ chạy vào vòng tròn giữa sân, các thành viên còn lại sẽ chạy đi nhặt bóng trên sân và lăn về cho bạn mình giữ bóng ở trong vòng tròn cho đến khi hết bóng trên sân. Các đội lần lượt tham gia trò chơi, đội nào có thời gian nhặt bóng nhanh nhất sẽ giành chiến thắng (H.13).
Lưu ý: Trong quá trình tham gia, người chơi có thể sử dụng một hoặc hai tay để lăn bóng cho bạn mình. Tuỳ vào thể lực và trình độ của người chơi, có thể tăng thêm số bóng.
(Trang 35)
Hình 13. Trò chơi Nhặt bóng tiếp sức
KIẾN THỨC MỚI
1. Kĩ thuật bắt bóng bằng hai tay trước ngực
Tư thế chuẩn bị: Hai chân đứng rộng bằng vai; hai bàn tay xoè rộng, tạo thành hình phễu (có đường kính nhỏ hơn đường kính bóng) và đưa về hướng bóng đến; khuỷu tay duỗi tự nhiên (H.14). Khi nhận bóng chỉ tiếp xúc bóng bằng các ngón tay và phần chai tay, không tiếp xúc bóng ở lòng bàn tay (H.15).
Hình 14. Tư thế chuẩn bị khi bắt bóng | Hình 15. Tạo hình tay khi bắt bóng |
Thực hiện động tác: Khi bóng đến, chủ động tiếp xúc bóng bằng các ngón tay và phần chai tay, dùng lực siết vào bóng, đồng thời co khuỷu tay để thực hiện hoãn xung và kéo bóng xuống trước bụng ở tư thế chuẩn bị (H.16).
Kết thúc động tác: Kéo bóng xuống bụng ở tư thế chuẩn bị cho các động tác tiếp theo.
(Trang 36)
Hình 16. Động tác bắt bóng
2. Kĩ thuật chuyền bóng bằng hai tay trước ngực
Tư thế chuẩn bị: Đứng chân trước chân sau, hai tay cầm bóng tự nhiên trước bụng ở tư thế chuẩn bị, mắt quan sát tình hình trên sân. Hai tay cùng với các ngón tay giữ bóng một cách thoải mái ngang thắt lưng (H.17).
Hình 17. Tư thế chuẩn bị chuyền bóng
Thực hiện động tác: Giữ nguyên tư thế ở phần thân dưới, hai tay kéo bóng từ dưới lên trước ngực theo đường vòng cung và đẩy bóng thẳng về phía trước. Khi hai cánh tay gần duỗi thẳng thì miết các ngón tay vào bóng để đẩy bóng đi (H.18).
Hình 18. Động tác chuyền bóng
Kết thúc động tác: Sau khi bóng rời khỏi tay, hai cánh tay thả lỏng và chuẩn bị cho động tác bắt bóng tiếp theo.
(Trang 37)
LUYỆN TẬP
1. Bài tập hình thành kĩ thuật động tác
Bài tập 1. Mô phỏng động tác dẫn bóng, bắt lại bóng và chuyền bóng bằng hai tay trước ngực
Người tập xếp thành hàng ngang. Khi có hiệu lệnh thì mô phỏng động tác dẫn bóng, bắt lại bóng và chuyền bóng bằng hai tay trước ngực.
Bài tập 2. Mô phỏng động tác dẫn bóng di chuyển, dừng lại bắt bóng và chuyền bóng bằng hai tay trước ngực
Người tập xếp thành hàng ngang. Khi có hiệu lệnh thì mô phỏng động tác dẫn bóng di chuyển, dừng lại bắt bóng và chuyền bóng bằng hai tay trước ngực.
Bài tập 3. Dẫn bóng tại chỗ và bắt lại bóng
Theo hiệu lệnh, người tập thực hiện dẫn bóng tại chỗ bằng một tay và bắt lại bóng ở vị trí ngang thắt lưng trong tư thế chuẩn bị chuyền bóng.
Bài tập 4. Chuyền bóng bằng hai tay trước ngực
Người tập xếp thành hàng ngang đối diện nhau. Theo hiệu lệnh, người tập thực hiện chuyền bóng từ tư thế chuẩn bị về phía trước cho bạn mình.
Bài tập 5. Chuyền bóng sau khi dẫn bóng tại chỗ
Người tập xếp thành hàng ngang đối diện nhau. Phối hợp động tác dẫn bóng tại chỗ và bắt bóng rồi chuyền bóng về phía trước.
Bài tập 6. Chuyền bóng sau khi dẫn bóng di chuyển
Phối hợp động tác dẫn bóng di chuyển và bắt bóng rồi chuyền bóng về phía trước.
2. Hình thức luyện tập
Hình thức 1. Luyện tập cá nhân
Người tập tự rèn luyện để hoàn thiện các động tác ở tư thế chuẩn bị và động tác chuyền bóng.
Hình thức 2. Luyện tập cặp đôi
Người tập chia thành từng cặp, mỗi người trong cặp đứng cách nhau khoảng 2 – 3 m và thực hiện động tác dẫn bóng tại chỗ, bắt lại bóng và chuyền bóng bằng hai tay.
Hình thức 3. Luyện tập nhóm
Người tập chia thành các nhóm nhỏ khoảng 5 – 6 người, đứng thành vòng tròn. Các thành viên trong mỗi nhóm thực hiện chuyền bóng cho nhau theo hướng quy định hoặc ngẫu nhiên.
Hình thức 4. Luyện tập đồng loạt
Người tập xếp thành các hàng ngang theo chiều dài sân, mặt đối diện nhau và thực hiện chuyền bóng cho bạn mình theo hiệu lệnh.
(Trang 38)
• Trò chơi bổ trợ kĩ thuật chuyền bóng bằng hai tay trước ngực
AI CHUYỀN NHANH HƠN
Mục đích: Bổ trợ kĩ thuật chuyền bóng bằng hai tay trước ngực và sức mạnh bền.
Dụng cụ: Quả bóng rổ.
Cách thực hiện: Mỗi người chơi cầm một quả bóng rổ ở tư thế chuẩn bị, đứng cách tường 2 m. Khi nghe hiệu lệnh “Bắt đầu”, người chơi sẽ chuyền bóng thật nhanh vào tường và bắt lại bóng. Trong vòng 30 giây, người chơi nào có số lần chuyền bóng nhiều nhất sẽ là người chiến thắng. Các người chơi còn lại sẽ chia ra để đếm số lần chuyền bóng cho bạn mình (H.19).
Hình 19. Sơ đồ trò chơi Ai chuyền nhanh hơn
VẬN DỤNG
1. Kĩ thuật chuyền bóng bằng hai tay trước ngực thường được sử dụng trong các trường hợp nào trong thi đấu bóng rổ?
2. Trước khi chuyền bóng cho đồng đội, cần chú ý quan sát những yếu tố nào trên sân?
3. Vận dụng kĩ thuật chuyền, bắt bóng bằng hai tay trước ngực để rèn luyện sức khoẻ và nâng cao cảm giác chuyền, bắt bóng.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn