Nội Dung Chính
(Trang 97)
.
Yêu cầu cần đạt
• Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của sử thi: không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật.
• Biết nhận xét nội dung bao quát của văn bản; biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật và mối quan hệ giữa chúng; nêu được ý nghĩa của tác phẩm đối với người đọc.
• Hiểu được cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản, cách chú thích trích dẫn và ghi cước chú.
• Viết được báo cáo nghiên cứu, có sử dụng trích dẫn, cước chú; có hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ và tránh đạo văn.
• Biết trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề.
• Biết trân trọng các giá trị tinh thần to lớn được thể hiện trong những sáng tác ngôn từ thời cổ đại còn truyền đến nay.
TRI THỨC NGỮ VĂNSử thi (anh hùng ca) là thể loại tự sự dài, dung lượng đồ sộ, ra đời vào thời cổ đại. Cốt truyện của sử thi xoay quanh những biến cố trọng đại liên quan đến vận mệnh của toàn thể cộng đồng như chiến tranh hay công cuộc chinh phục thiên nhiên để ổn định và mở rộng địa bàn cư trú. Nhân vật sử thi là người anh hùng đại diện cho sức mạnh, phẩm chất lí tưởng và khát vọng chung của cộng đồng. Không gian sử thi kì vĩ, cao rộng, mang tính cộng đồng, có thể bao quát cả thế giới thần linh và con người. Thời gian sử thi là quá khứ thiêng liêng, thuộc về một thời đại xa xưa được cộng đồng ngưỡng vọng. |
(Trang 98)
Lời kể trong sử thi thành kính, trang trọng; nhịp điệu chậm rãi; trần thuật tỉ mỉ, lặp đi lặp lại những từ ngữ khắc hoạ đặc điểm cố định của nhân vật, sự vật; thường xuyên sử dụng biện pháp tu từ so sánh và điệp ngữ. Lời người kể chuyện và cả lời nhân vật nhiều khi mang tính khoa trương, cường điệu. Sử thi không chỉ lưu dấu những biến cố quan trọng trong lịch sử của một cộng đồng, mà còn phản ánh diện mạo đời sống tinh thần, hệ giá trị, niềm tin của cộng đồng ấy. Nhiều chủ đề trong sử thi vẫn còn có ý nghĩa lớn đối với nhân loại. Những tác phẩm sử thi như Ma-ha-bha-ra-ta (Mahabharata), Ra-ma-ya-na (Ramayana) (ẤnĐộ); I-li-át (Iliad), Ô-đi-xê (Odyssey) (Hy Lạp); Đăm Săn (Việt Nam).... vẫn tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo thuộc nhiều loại hình nghệ thuật đời sau. Trích dẫn trong văn bản Trích dẫn trong văn bản thường có hai loại: trích dẫn trực tiếp và trích dẫn gián tiếp. Trích dẫn trực tiếp là đưa nguyên văn một phần câu, một câu, một đoạn văn,... của bản gốc vào bài viết và toàn bộ phần trích dẫn này phải được đặt trong ngoặc kép. Trích dẫn gián tiếp là sử dụng ý tưởng của người khác và diễn đạt lại theo cách viết của mình nhưng phải đảm bảo trung thành với ý tưởng được trích dẫn. Phần trích dẫn gián tiếp không phải đặt trong dấu ngoặc kép. Khi tạo lập văn bản, cần tránh lạm dụng trích dẫn vì điều đó dẫn đến tình trạng ý kiến riêng của người viết bị lu mờ hoặc chỉ còn mang tính chất phụ hoạ. Để việc trích dẫn đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, các phần trích dẫn cần được ghi rõ nguồn gốc, bao gồm thông tin về tác giả, tên văn bản gốc, nơi công bố, thời gian công bố văn bản, vị trí của phần trích dẫn trong văn bản gốc. Phần bị tỉnh lược trong văn bản Phần bị tỉnh lược là phần thông tin ít quan trọng của văn bản gốc (theo cách nhìn và định hướng sử dụng văn bản của người tổ chức bản thảo) đã được lược bỏ, giúp cho nội dung văn bản trích dẫn trở nên tập trung và cô đọng hơn. Phần bị tỉnh lược thường được đánh dấu bằng dấu ngoặc vuông và dấu ba chấm [...]. |
(Trang 99)
VĂN BẢN 1
Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác (*)
(Trích I-li-át)
---------------------
Hô-me-rơ (Homèros)
--------------------
Trong cuộc sống, việc thực hiện bổn phận với cộng đồng và với gia đình nhiều khi mâu thuẫn. Theo bạn, ứng xử thế nào mới là hợp tình, hợp lí?
Cuộc chiến vây hãm thành Tơ-roa (Troy) của quân A-kê-en (Achaean)(1), tức quân Hy Lạp, bước sang năm thứ mười vẫn không phân thắng bại. A-khin (Achilles), dũng tướng tài giỏi nhất của quân Hy Lạp, tức giận vì bị chủ soái A-ga-mem-nông (Agamemnon)(2) tước mất chiến lợi phẩm là nàng Bri-dê-ít (Briseis), quyết không tham chiến, đồng thời qua mẹ của mình là nữ thần Thê-ti-xơ (Thetis), cầu xin thần Dớt (Zeus) làm cho quân Hy Lạp thất bại. Thần Dớt (Zeus) hứa hẹn, nhưng chưa thực hiện lời hứa. Thoả thuận về một cuộc chiến tay đôi chấm dứt chiến tranh không thành, quân Hy Lạp và quân Tơ-roa lại tiếp tục giao chiến. Cuộc chiến nơi hạ giới luôn có sự can thiệp của các vị thần chia làm hai phe ủng hộ hai bên. Quân Hy Lạp nhất thời giành thế áp đảo. Hoàng tử Héc-to (Hector), chủ soái quân đội thành Tơ-roa, quay vào thành thúc giục binh sĩ, khẩn cầu nữ thần A-tê-na giúp đỡ. Chàng ghé về nhà thăm vợ con. Héc-to về tới ngôi nhà êm ấm của mình, nhưng không thấy Ăng-đrô-mác cánh tay trắng ngần trong buồng như thường lệ. Nàng cùng con thơ với cô hầu gái xống áo thướt tha, đứng trên tháp canh nức nở, lòng đắng cay chan chứa nỗi buồn. Vào nhà, Héc-to không trông thấy phu nhân hiền thục của mình. Chàng bước qua ngưỡng cửa, dừng lại, hỏi mấy nô tì: “Này, các ngươi mau nói hết ta hay, phu nhân Ăng-đrô-mác đâu rồi? Nàng đi gặp chị gặp em, qua chỗ những cô dâu trang phục diễm lệ(3), hay tới đền thờ A-tê-na cùng các ------------------------- (*) Nhan đề đoạn trích do người biên soạn sách giáo khoa đặt (Héc-to: hoàng tử thành Tơ-roa; Ăng-đrô-mác (Andromache): phu nhân của Héc-to). (1) A-kê-en: một trong bốn tộc người lớn nhất sinh sống trên đất Hy Lạp cổ đại. Ở đây dùng để chỉ chung những người ở bán đảo Hy Lạp, phân biệt với những người Tơ-roa ở bán đảo Tiểu Á. (2) A-ga-mem-nông: thủ lĩnh của người A-kê-en trong chiến tranh thành Tơ-roa. (3) Diễm lệ: đẹp rực rỡ, lộng lẫy. |
(Trang 100)
phu nhân thành Tơ-roa vấn tóc chỉnh tề dâng lễ cầu xin nữ thần rủ lòng thương, nguôi cơn thịnh nộ?”. Đáp lời Héc-to, tì nữ quản gia nhanh nhảu nói: “Bẩm, ngài đã yêu cầu, con xin thưa rõ. Không phải phu nhân đi gặp chị gặp em, hay qua chỗ những cô dâu trang phục diễm lệ. Cũng không phải bà tới đền thờ A-tê-na, cùng các phu nhân thành Tơ-roa vấn tóc chỉnh tề dâng lễ cầu xin nữ thần nguôi cơn thịnh nộ. Nghe tin quân A-kê-en khí thế áp đảo, những chiến binh Tơ-roa của chúng ta buộc phải thoái lui, phu nhân vội vã tới toà tháp lớn thành I-li-ông (Ilion)(1). Như người mất trí, bà vừa đi vừa chạy lên thành, đầu không ngoảnh lại. Nhũ mẫu(2) bồng con thơ tất tả theo sau”.
Tì nữ đáp vậy. Héc-to tức thì rời nhà, chạy ngược theo những dãy phố thành Tơ-roa xây dựng khang trang. Xuyên qua phố xá thành Tơ-roa rộng lớn, chàng tới cổng Xkê (Skey) (qua đó là bước ra bình nguyên ngoài thành luỹ). Chính tại đây phu nhân Ăng-đrô-mác nhào tới đón chàng. Trong phục trang diễm lệ, Ăng-đrô-mác toát lên vẻ cao quý của nàng công chúa con vua Ê-ê-xi-ông (Eetion) quả cảm. Vua Ê-ê-xi-ông sống ở dưới chân núi rừng Pla-cốt (Placos)(3). Ông là đại thống lãnh của những người Ki-li-kiêng (Cilician) thành Te-bơ. Người con gái được nhà vua gả cho Héc-to sáng loáng khiên đồng chính là nàng Ăng-đrô-mác. Ăng-đrô-mác tới bên chàng theo sau là cô hầu gái bồng một hài nhi vô tư, thơ dại. Cậu bé đẹp như một vì sao sáng trên trời ấy chính là con trai thương yêu, duy nhất của (Skamandrios), còn với mọi người – cậu là A-xchi-a-nắc (Astyanax)(4), con của người trấn giữ thành Tơ-roa. Trông thấy con thơ, người cha mỉm cười, không nói. Phu nhân lại bên chàng nước mắt đầm đìa.
Xiết chặt tay chàng, nàng nức nở: “Ôi, chàng thật tệ! Lòng can đảm của chàng sẽ huỷ hoại chàng! Chàng chẳng biết thương cả con trai thơ dại, cả người mẹ thiểu não này. Ra trận, bọn A-kê-en nhất loạt xông lên sẽ tức khắc hạ sát chàng, chẳng mấy nữa thiếp thành góa phụ. Thiếp nguyện xuống mồ sâu còn hơn để mất chàng. Chàng bỏ thiếp lại một mình, còn gì thiết tha trên cõi đời này nữa. Phận thiếp --------------------------- (1) I-li-ông: tên gọi khác của thành Tơ-roa. Nhan đề sử thi I-li-át có nguồn gốc từ tên gọi này. (2) Nhũ mẫu: người nuôi con người khác bằng sữa của mình, phục vụ trong những gia đình quyền quý. (3) Pla-cốt: rặng núi thuộc thành bang Te-bơ, lãnh địa của những người Ki-li-kiêng. (4) A-xchi-a-nắc: trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “người trấn giữ thành phố”. |
(Trang 101)
toàn những khổ đau. Thiếp chẳng còn cha, mẹ hiền cũng không còn nữa. A-khin có đôi chân nhanh đã hạ sát lão vương cha thiếp, triệt phá tận nền móng thành Te-bơ cổng lớn tường cao, đô thị đẹp đẽ của những người Ki-li-kiêng. Tự tay hắn đã hạ sát vua Ê-ê-xi-ông, song không dám tước vũ khí, bởi hãi sợ hành vi không chính trực tự tâm can. Hắn thiêu nguyên thi hài của người cùng vũ khí tinh xảo, vun đất thành gò chôn cất. Quanh gò mọc lên những cây tiểu du(1) do những nàng con gái thần Dớt choàng áo da dê, những tiên nữ nanh-phơ (nymphe)(2) chăm sóc. Rồi cả bảy người anh cùng cha với thiếp, chỉ trong một ngày, lần lượt đi về thế giới bên kia. Họ bị A-khin sáng láng, con trai của Pê-lê (Peleus), đánh bại tại bãi chăn những đàn bò đủng đỉnh và những đàn cừu lông trắng như mây. Còn mẹ thiếp, nữ hoàng xứ Pla-cốt đại ngàn, bị hắn bắt giải đi cùng những chiến lợi phẩm của mình. Hắn chỉ trả lại tự do cho bà khi nhận được khoản chuộc lớn không kể xiết. Về tới cung vua cha, bà lại đột ngột bị nữ thần xạ thủ Ác-tê-mít (Artemis) cướp đi sinh mệnh(3). Héc-to chàng hỡi, giờ đây với thiếp, chàng là cha và cả mẹ kính yêu; chàng là cả anh trai duy nhất, cả đức lang quân cao quý của thiếp. Xin chàng hãy rủ lòng thương thiếp và con mà đừng ra trận, hãy ở lại trên tháp canh này, đừng để trẻ thơ phải mồ côi, vợ hiền thành góa phụ. Hãy bố trí một toán quân chốt chặn chỗ cây vả, nơi dễ leo lên tường thành, dễ vào thành nhất. Đã ba lần, những dũng sĩ quả cảm dưới sự chỉ huy của I-đô-mê-nê (Idomeneus)(3) danh tiếng, của hai gã A-giắc (Ajax)(5), hai người con lừng danh của A-tơ-rê (Atreus)(6) và người con trai dũng mãnh của Ti-đê (Tydeus)(7) tấn công vào chính chỗ này. Chắc hẳn, có vị tiên tri nào phán bảo, hay linh tính thôi thúc chúng xông vào nơi đó”.
Héc-to lẫy lừng, mũ trụ sáng loáng, đáp lời nàng: “Phu nhân ơi, cả ta cũng lo lắng khôn nguôi về mọi điều nàng nói. Nhưng sẽ hổ thẹn xiết bao với những chiến binh và những người phụ nữ thành Tơ-roa xống áo thướt tha, nếu ta ở lại đây, như kẻ hèn nhát, đúng nhìn từ xa, tránh không xung trận. Hơn nữa, bầu nhiệt huyết trong ta không cho phép ta làm vậy: từ lâu ta đã học cách luôn ở tuyến đầu, can trường chiến đấu, giành vinh quang cho thân phụ và bản thân. Ta biết, bằng cả -------------------------------- (1) Tiểu du: một loại cây gỗ nhỏ, lá có cuống ngắn, chóp nhọn, rìa mép có răng cưa, mặt trên xanh lục tươi, hơi ráp, mặt dưới xanh nhạt, mọc nhiều ở vùng khí hậu ôn đới. (2) Nanh-phơ: nữ thần sông núi. Theo thần thoại Hy Lạp, các tiên nữ nanh-phơ là con gái của thần Dớt – chúa tể các vị thần. (3) Bị nữ thần xạ thủ Ác-tê-mit cướp đi sinh mệnh: người Hy Lạp cổ đại cho rằng người chết đột ngột không rõ lí do chính là bị trúng tên của nữ thần săn bắn Ác-tê-mít. (4) (5) (6) (7) I-đô-mê-nê, A-giắc, hai người con lừng danh của A-tơ-rê, người con trai dũng mãnh của Ti-đê: các dũng tướng của quân Hy Lạp. |
(Trang 102)
trái tim và lí trí, tự ta biết rõ: sẽ tới ngày thành Tơ-roa thiêng liêng thất thủ. Cả vua Pri-am (Priam)(1) cùng thần dân giương cao ngọn giáo của người cũng sẽ bị tiêu diệt. Song điều làm tim ta tan vỡ không chỉ là nỗi thống khổ sẽ tới của những thần dân thành Tơ-roa, của chính hoàng hậu Hê-cu-ba (Hecuba)(2) và quốc vương Pri-am, không chỉ là nỗi thống khổ của đàn em trai ta rồi đây sẽ bị đòn thù ác nghiệt quật ngã xuống đất bụi mịt mờ, mà còn là nỗi thống khổ của nàng! Một gã A-kê-en sáng loáng khiên đồng sẽ tới bắt nàng đi. Lã chã tuôn dòng lệ đắng, nàng sẽ không còn ngày tháng tự do. Nàng sẽ phải làm nô lệ, ở Ác-gốt (Argos)(3) dệt vải cho người, hay phải lặn lội tới tận lạch nguồn sông Mét-xê-ít (Messeis)(4), Hi-pê-rê (Hypereia)(5) lấy nước: cực nhọc trăm bề, đắng cay muôn nỗi. Một ngày, thấy nàng tuôn rơi hàng lệ, ai đó sẽ bảo: “Đó là vợ của Héc-to, kẻ can trường nhất trong số những người To-roa giỏi luyện ngựa từng chiến đấu giữ thành I-li-ông năm xưa. Người nói vậy lại là đánh thức nỗi thống khổ luôn mới lại trong lòng nàng. Nàng quặn nhớ người chồng lẽ ra có thể cứu nàng khỏi kiếp tôi đòi. Song lúc ấy ta đã không còn, đã bị vùi dưới đất dày từ trước khi thấy nàng bị đoạ đày ô nhục và nghe được tiếng than xé ruột của nàng!”. Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác và A-xchi-a-nắc, tranh của Các Phờ-ri-đơ-rích Đe-clơ (Karl Friedrich Deckler) Dứt lời, Héc-to lừng danh cúi xuống muốn ôm con trai vào lòng. Nhưng cậu bé khóc ré lên, nhao người về phía nhũ mẫu xống áo thướt tha. Ánh đồng sáng loá và cái ngù bờm ngựa cong cong trênbmũ trụ của cha làm nó e sợ. Người cha hồn hậu và người mẹ dịu hiền bật cười. Héc-to tháo ngay mũ trụ sáng loáng của mình đặt xuống đất. Rồi chàng bồng cậu con trai thân yêu lên tay, thơm nó, vừa nâng nó lên cao, đu đưa, vừa khẩn cầu con trai của thần Crô-nốt (Cronos)(6) và các vị thần khác:“Hỡi thần Dớt và các vị thần vĩ đại! Xin hãy cho con trai tôi, cũng được như cha,
---------------------------- (2) Hê-cu-ba: hoàng hậu thành Tơ-roa, mẹ của Héc-to. (3) Ác-gốt: thành bang ở đông bắc bán đảo Pê-lô-pôn-nét, Hy Lạp. (4) (5) Mét-xê-ít, Hi-pê-rê: hai con sông ở thành bang Ác-gốt. (6) Con trai của thần Crô-nốt: thần Dớt. |
(Trang 103)
nổi danh giữa những người Tơ-roa về sức mạnh và trị vì thành I-li-ông thật oai hùng. Để một ngày kia, thấy chàng trở về từ trận chiến, người ta phải thốt lên: “Chà, chàng đã vượt xa thân phụ của mình!. Để với chiến lợi phẩm vấy máu, sau khi đánh bại kẻ thù, chàng trai từ chiến trận trở về làm vui lòng người mẹ”. Nói rồi, chàng trao cậu con trai yêu quý tận tay cho vợ. Người mẹ ôm chặt con vào bầu ngực thơm tho, cười qua hàng lệ. Lòng Héc-to nhói buốt. Chàng đưa tay vuốt ve nàng rồi cất lời an ủi: “Phu nhân khốn khổ của ta ơi! Nàng đừng dằn vặt lòng mình quá thế! Một người trần mắt thịt không thể bất chấp số phận mà bắt ta xuống địa phủ của thần Ha-đét (Hades)(1) được. Và đã sinh ra trên mặt đất này, chẳng một ai, dù quả cảm hay rụt rè, có thể trốn chạy được số phận. Nàng hãy về nhà chăm lo công việc của mình, quay xa kéo sợi, dệt vải, sai bảo nữ tì chăm chỉ. Chiến tranh là bổn phận của mỗi người đàn ông sinh ra tại thành I-li-ông này, nhất là ta”.
Dứt lời, chàng nâng mũ trụ đồng thau sáng loáng lên. Còn Ăng-đrô-mác bước về nhà, hàng lệ tuôn rơi, chốc chốc lại ngoái nhìn theo bóng hình phu quân yêu quý. (Hải Phong dịch, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số ra tháng 2/2021, tr. 34 – 37) |
Hô-me-rơ, nhà thơ huyền thoại của Hy Lạp cổ đại, được coi là tác giả của sử thi I-li-át và Ô-đi-xê. Một số tài liệu từ thời cổ đại ước định Hô-me-rơ sống trong khoảng thế kỉ VIII – VII trước Công nguyên, nhưng không thống nhất về quê quán của nhà thơ: không rõ ở Hy Lạp hay ở Tiểu Á. Theo truyền thuyết, ông bị mù và là một người hát rong – kể chuyện tài năng. Một số học giả cho rằng Hô-me-rơ có thể là một cái tên hư cấu, hoặc là tên gọi chung cho một tập thể người hát rong – kể chuyện từ thời cổ đại. Dù thế nào đi nữa, hai bộ sử thi cùng các tác phẩm được coi là của Hô-me-rơ cũng trở thành những mẫu mực của văn chương đối với nhiều thời đại về sau.
I-li-át được cho là ra đời từ thế kỉ thứ VIII trước Công nguyên. Đây là thiên sử thi đồ sộ gồm 15 693 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể về những sự kiện diễn ra trong 51 ngày, năm thứ mười cuộc chiến tranh của những người Hy Lạp tấn công thành Tơ-roa ở vùng tây bắc bán đảo Tiểu Á, cuộc chiến tranh được xác định là đã diễn ra vào khoảng thế kỉ XII trước Công nguyên. Với cốt truyện được huyền thoại hoá, I-li-át ngợi ca vẻ đẹp lí tưởng của con người trong chiến tranh.
Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác là đoạn trích từ câu thơ 370 đến 496, khúc ca VI, sử thi I-li-át. Sau khi từ biệt Ăng-đrô-mác, Héc-to ra trận, dũng cảm chiến đấu với dũng tướng A-giắc của quân Hy Lạp. Thần Dớt bắt đầu thực hiện lời hứa của mình: làm cho quân Hy Lạp thất thế. Quân Tơ-roa đánh lui quân Hy Lạp tới các chiến thuyền ngoài bờ biển. Pa-tơ-rô-clơ (Patroclus), chiến hữu thân cận của A-khin, mượn giáp trụ và vũ khí của A-khin xung trận. Pa-tơ-rô-clơ bị Héc-to giết chết. Nỗi đau thương và khát vọng trả thù cho bạn thôi thúc A-khin quay lại chiến trường, giành thế áp đảo cho
----------------------------
(1) Xuống địa phủ của thần Ha-đét: Ha-đét là vị thần cai quản cõi âm. Ở đây ám chỉ cái chết.
(Trang 104)
quân Hy Lạp. A-khin giết chết Héc-to, kéo xác chàng quanh thành. A-khin trả lại thi hài Héc-to cho vua Pri-am khi xúc động trước nỗi đau và lời cầu xin của người cha tới chuộc xác con. Sử thi I-li-át khép lại với lễ an táng Héc-to cùng những binh sĩ tử trận của cả hai bên.
Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác được coi là một trong những cảnh ấn tượng nhất trong sử thi I-li-át và trong lịch sử văn học nhân loại. Nhà nghiên cứu văn hoá Hy Lạp cổ đại Mi-kha-in Ga-xpa-cốp (Mikhail Gasparov) khẳng định: “[...] sự tương phản bi thảm của bầu không khí chiến tranh hung hiểm với cuộc sống gia đình êm ấm” trong tình tiết này đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Từ trang sử thi của Hô-me-rơ, cảnh Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác nghệ thuật thời sau.
Trả lời câu hỏi
1. Biến cố nào dẫn đến việc Héc-to phải từ biệt Ăng-đrô-mác? Vì sao có thể xem đó là biến cố đặc trưng cho thể loại sử thi?
2. Xác định những từ ngữ lặp lại khắc hoạ đặc điểm cố định của nhân vật trong đoạn trích. Theo bạn, vì sao sử thi lại có cách khắc hoạ nhân vật như vậy?
3. Phân tích những đặc trưng của không gian sử thi trong đoạn trích.
4. Những lời nói, hành động của Ăng-đrô-mác thể hiện phẩm chất gì của nhân vật?
5. Vì sao Héc-to vẫn quyết định mở cổng thành nghênh chiến với quân Hy Lạp? Bạn suy nghĩ gì về hành động đó của nhân vật?
6. Đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác đã đặt ra những vấn đề nhân sinh nào? Những vấn đề đó còn có ý nghĩa với đời sống ngày nay không? Vì sao?
7. Qua những lời nói, hành động của Héc-to, hãy xác định những phẩm chất tạo dựng nên hình mẫu người anh hùng của Hy Lạp thời cổ đại.
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một chi tiết mà bạn cho là đặc sắc nhất trong đoạn trích.
-----------------------------
(1) Mi-kha-in Ga-xpa-rốp, Hy Lạp hấp dẫn – Những mẩu chuyện về văn hóa Hy Lạp cổ đại, NXB GLK – NLO, Mát-xcơ-va, 1995.
(Trang 105)
VĂN BẢN 2
Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời
(Trích Đăm Săn)
--------------------
Sử thi Ê-đê
--------------------
• Tìm hiểu và chia sẻ với các bạn thông tin về một số đặc điểm văn hoá của người Ê-đê (ví dụ: trang phục, ẩm thực, nhà ở, lễ hội, ...).
• Tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng mặt trời trong một số nền văn hoá.
Sau khi đã chiến thắng Mtao Grự và Mtao Mxây để giải cứu Hơ Nhị, Hơ Bhị, Đăm Săn trở nên một tù trưởng giàu mạnh, danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi. Nhưng chàng vẫn quyết tâm đi hết tháng hết năm để chinh phục Nữ Thần Mặt Trời, để “từ người Ê-đê bên bờ sông cho đến người Mnông ở dưới thấp không còn một ai dám trái lời”, không một tù trưởng nào có thể sánh với chàng. Bị Nữ Thần Mặt Trời từ chối, Đăm Săn kiên quyết ra về, mặc Nữ Thần Mặt Trời cảnh báo là chàng sẽ chết khi mặt trời lên. 1 Hai người ra đi(1) . Mười ngày họ ngủ lại, sáu đêm họ nằm lại dọc đường. Họ đi suốt tháng suốt năm, lúc nghe sông nước vì rào, lúc nghe biển cả gào thét, người cưỡi ngựa đực, người cưỡi ngựa cái, ngựa thở hổn hạ hổn hển. Họ đến làng Đăm Par Kzây. Bọn đàn ông con trai trong làng chạy ra tận giếng làng để xem, còn bọn đàn bà con gái thì đứng nhìn từ các sàn sân. Ai ai cũng đã từng nghe đồn Đăm Săn là một tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa. Đăm Săn đến bãi ven làng, rồi đến nhà Đăm Par Kzây. Người trong nhà chạy xuống, kẻ giữ ngựa tháo yên, người đưa lời thăm hỏi. Chồm lên hai lần, chàng leo hết cầu thang. Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bay hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây. Chàng giắt chà gạc(2) lên, rồi ngồi xuống, trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung. Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy. Khắp các tù trưởng không một ai như chàng Đăm Săn cả!
---------------------------------- (1) Hai người ra đi: chỉ Đăm Săn và Tăng Măng, người được Đăm Săn nhờ dẫn đường tới nơi ở của Nữ Thần Mặt Trời. (2) Chà gạc: loại dao đi rừng có nhiều chức năng (phát rẫy, làm các đồ dùng gia đình, có thể sử dụng như vũ khí tự vệ hay tấn công,...), cán thường được làm bằng gỗ cứng hoặc thân tre già gần gốc, chỗ tra lưỡi uốn cong, lưỡi sắt ngắn được rèn kĩ, mài sắc, đôi khi có tạo hình cầu kì thể hiện vị thế và uy quyền của người sở hữu. |
(Trang 106)
Đăm Par Kvây - Ơ các con, Ơ các con, đem gối ra cho diêng(1) của ta nào, đem chiếu đem chăn ra cho diêng của ta nào!
Tôi tớ trải dưới một chiếu trắng, trải trên một chiếu đỏ làm chỗ ngồi cho nhà tù trưởng. Rồi họ đem ra thuốc sợi cả hòm đồng, thuốc lá cả sọt đại, trầu vỏ cả gùi to, không còn sợ thiếu thuốc thiếu trầu cho Đăm Săn ăn, hút. Họ đốt một gà mái ấp, giết một gà mái đẻ, giã gạo trắng như hoa êpang, sáng như ánh mặt trời, nấu cơm mời khách. Họ đi lấy rượu, đem ra một ché tuk(2) da lươn, một ché êbah(3) Mnông, trên vẽ hoa kơ-ụ, dưới lượn hoa văn, tai ché hình mỏ vẹt xâu lỗ. Đó là những cái ché ngã giá phải ba voi. Ai đi lấy nước cứ đi lấy nước, ai đánh chiêng cứ đánh chiêng, ai cắm cần cứ cắm cần. Cần cắm rồi, người ta mời Đăm Săn ngồi vào uống. Đăm Săn ngồi vào uống, vừa uống vừa nói chuyện: Đăm Par Kvây - Ơ diêng, ơ diêng rượu tôi đã cột, gà tôi đã đốt, cơm tôi đã dọn trong mâm đồng chậu thau, xin mời diêng đến ăn cho! Xin hỏi diêng đi có việc gì? Phải chăng đã có kẻ đến đánh diêng tại nhà, vây diêng tại làng, bắt hết trai gái làng diêng đi rồi phải không? Đăm Săn - Không phải thế đâu, diêng ơi. Tôi đi đây chẳng vì công này, cũng không vì việc nọ. Tôi đến rủ diêng, muốn cùng diêng mặt giáp mặt bàn xem chúng ta đi bắt Nữ Thần Mặt Trời có được hay không? Đăm Par Kvây - Ấy chết, diêng ơi! Rừng này nhiều cọp, đường này nhiều rắn, không ai vào bắt Nữ Thần Mặt Trời được đâu! Đường đi hái cà người ta trồng chống lớn, đường đi hái ớt người ta trồng chông nhỏ, người lớn đi chết đằng người lớn, nhà giàu đi chết đằng nhà giàu, dũng tướng đi chết đằng dũng tướng.
Đăm Săn - Người dũng tướng chắc chết mười mươi vẫn không lùi bước há cũng không vào đó được sao! (Ông Đu, ông Điệ(4) nghe được liền đét cho Đăm Săn ------------------------- (1) Diêng: bạn bè thân thiết, gắn bó như anh em. (2), (3) Ché tuk, ché êbah: đồ đựng bằng gốm, thân tròn, giữa phình to, miệng loe, thường dùng để ủ rượu, đựng rượu; ché gồm nhiều loại với kích thước và hoa văn đa dạng, có giá trị trao đổi khác nhau, trong đó tuk và êbah thuộc loại ché quý. (4) Ông Đu, ông Điê: là hai vị thần cao nhất trong hệ thống thần của người Ê-đê. Ông Điê được coi là thần sáng tạo (pô cih), là thần ban phước (pô thiê). Ông Đu được coi là thần giữ gìn sinh mệnh của con người. |
(Trang 107)
một đét vào người). Diêng không cho tôi đi, cũng mặc. Tôi đã mang theo đây các ngải(1) từng giúp ông chúng tôi chiến thắng, những ngải cho sức mạnh chém tê giác dưới vực, giết hùm beo trên rừng. Để xem tê giác, hùm beo có chết dưới mũi giáo lưỡi gươm của Đăm Săn này hay không! Dù diêng có bảo đường đi lắm rết, nhiều bọ cạp, núi rừng đầy tê giác, hùm beo, chưa từng có ai đi vào đó, tôi cũng không nghe diêng đâu.
Đăm Par Kvây – Ối chao! Chết thật đó, diêng ơi! Nước thì nhiều đỉa, rừng thì nhiều vắt, người ta chưa hề đem nhau đi vào đó bao giờ. Ven rừng đầy xương người. Trong rừng đầy xương bò, xương trâu. Biết bao tù trưởng nhà giàu, biết bao dũng tướng anh hùng đã bỏ mạng nơi đây. Rừng Đen(2) đất nhão là nơi đã chôn vùi nhiều tù trưởng nhà giàu. Tôi cột diêng bằng thừng, tôi trói diêng bằng dây, tôi không cho diêng đi vào đấy đâu. Tôi xin cúng cầu phúc cho diêng một lợn, tôi xin tiễn chân diêng một trâu, tôi không cho diêng đi vào rừng thiêng của Nhà Trời đâu. Ở đấy, chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó, con sóc nhảy vào thân nó cũng khó mà vẹn toàn nữa là! Đăm Săn – Mặc, diêng cứ để tôi làm bàn trang tôi san đường tôi đi(3). Gặp cọp, tôi sẽ giết cọp. Gặp tê giác, tôi sẽ giết tê giác. Đăm Par Kvây – Giữ diêng, diêng không ở. Cầm diêng, diêng không dừng. Vậy diêng định đốt đuốc ra đi trong đêm này ư?
Đăm Săn – Khắp vùng Ê-đê trên cao, Mnông dưới thấp, khắp tây đông, thử hỏi còn ai dám chống lại Đăm Săn này, chống lại người tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa này? Tôi không sợ đâu. Đăm Par Kvây – Cột không dừng, giữ không ở, đốt đuốc ra đi giữa canh khuya, diêng hãy coi chừng kẻo rơi vào Rừng cỏ cằn đất nhão. Rừng bà Sun Y Rít đó, diêng ơi! Đến đây Đăm Par Khây quay gót trở về. Trời đã nửa đêm, gà đã te te gáy. ------------------------ (1) Ngải: thuốc có phép mê hoặc hay khuất phục người khác (theo mê tín). (2) Rừng Đen: người Ê-đê cho rằng đất với trời vốn là một, từ khi trời tách khỏi đất thì bên kia phần đất cứng dành cho người ở là một vùng đất đen, ban đêm cứng, ban ngày nhão ra và dính như sáp ong, trên mặt đất chỉ mọc mỗi thứ cỏ lông (kmăn). Vùng đất đen này được giao cho bà Sun với người cháu là Y Rít cai quản. Với gốc tích và đặc điểm đó, nó được gọi bằng những cái tên khác nhau là Rừng Đen, Rừng (Đất) Sáp Đen, Rừng bà Sun Y Rít, Rừng cỏ cằn đất nhão (cỏ lông),.. (3) Ý nói sẽ khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm trên đường đi. |
(Trang 108)
Đăm Par Kvây – Ơ diêng, ơ diêng, trời đã gần sáng mặt trời muốn lồ lên rồi, diêng hãy thúc ngựa chạy nhanh giữa lúc trời còn tối, đất còn cứng. Có ánh mặt trời chiếu xuống là đất sẽ nhão ra. Rừng bà Sun Y Rít sẽ bắt đầu động đấy.
2 Thế là Đăm Săn ra đi. Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống. Chàng đi, đi mãi, rừng núi quạnh hiu, vắng như không, không như vắng. Nhưng rồi chàng cũng đến được bãi thả trâu bò, rồi bãi thả diều làng ông Đu, ông Điê. [...] Sau đó là cảnh người đi đi lại lại như trong sương mù. Chàng liền đến bờ rào làng xem thì thấy dưới giăng dây đồng, trên giăng dây sắt, cảnh làng người anh giữ mặt trời, người em giữ mặt trăng(1) quả là đẹp thật! Chỗ hai anh em họ ở là một cánh núi ngăn một dòng nước đục chảy cho đến nơi đất giáp với trời(2). Chàng đi đến nhà cô gái không chồng, nàng Hơ Kung của chàng Y Đu, nàng thì đã vào ở giữ mặt trăng, còn chàng thì đã vào ở giữ mặt trời. Ở đây sấm nổ ầm ầm, mưa đổ ào ào, tiếng vó ngựa ngày đêm nghe rầm rập. Từ đây, Đăm Săn đứng ngắm ngôi nhà của Nữ Thần Mặt Trời. Cầu thang trông như cái cầu vồng. Cối giã gạo bằng vàng, chày cũng bằng vàng. Chày nhà tù trưởng giàu có này giã gạo trông cứ lấp la lấp lánh!
Đăm Săn xuống ngựa, tháo yên. Khi chàng nhoai lên cầu thang thì trong nhà người ta đã nghe. Khi chàng giậm chân bước trên sàn hiên thì trong nhà người ta đã thấy. Chàng vào nhà. Toà nhà dài dằng dặc, voi vây chặt sàn sân, chiêng xếp đầy nhà ngoài, cồng chất đầy nhà trong, tôi trai tớ gái như ong đi lấy nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, các xà ngang và dọc đều thếp vàng. Khắp các nhà giàu có, không thấy đâu có một ngôi nhà như vậy cả. Đăm Săn gác chà gạc lên, rồi đến ngồi trên ghế. Người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần. Tiếng xì xào ca ngợi chàng đã vọng tới tai Nữ Thần Mặt Trời ở nhà trong. Nữ Thần – Ơ các con, ơ các con, khách nào ở ngoài ấy? --------------------------- (1) Người anh giữ mặt trời, người em giữ mặt trăng: tức Y Đu và Hơ Kung, hai nhân vật trong văn học dân gian Ê-đê, là hai người canh giữ mặt trăng và mặt trời, dù yêu nhau nhưng phải sống cách biệt, chỉ gặp nhau khi có nhật thực, nguyệt thực. (2) Theo nhiều người Ê-đê kể, cảnh núi này chính là ở Đrai Hling trên sông Xê-rê-pốc ngày nay, nơi tận cùng phía tây lãnh thổ của người Ê-đê xưa. Nói “một dòng nước đục chạy cho đến nơi đất giáp với trời” là nói đến dòng nước đục ở gần cánh núi đó. |
(Trang 109)
Người hầu – Thưa bà, chúng con không được quen. Khách mặc một áo lụa đẹp, khoác ngoài một áo chiến(1) cũng thật là đẹp. Lông chân như chải, lông đùi như chuốt, tiếng nghe như chong chóng gõ mõ(2). Khắp các đầu làng không có một ai như khách cả.
Nữ Thần bỏ máy cũ mặc váy mới. Chưa hài lòng với váy này, nàng lấy váy kia. Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp. Mái tóc nàng vén bên tai trông thật là đẹp. Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng. Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng. Lỡ chân hụt bước chăng, nàng liền tần ngần đứng lại hay ngồi xuống(3) không một ai giống như nàng cả. Tiếng nàng lanh lãnh, người chưa tới mà tiếng đã vẳng lại. Thật không thấy có một ai như nàng cả. Trước mặt Đăm Săn là một cô gái thân hình như cái nụ tai, cổ như cổ công, nàng rõ ràng là con của Thần Đất và Thần Trời rồi! Nữ Thần – Hỡi người con của trần thế, ngươi muốn gì? Đăm Săn – Vâng, tôi đã đến đây, tôi muốn có người nấu cơm canh tôi ăn, dệt khố áo tôi mặc. Nữ Thần – Thế phải chăng ngươi còn là lưỡi dao chưa tra cán, còn là cái chốt chưa có lỗ cài, là gái còn ở không trai còn ở rỗi? Đăm Săn – Tôi là lưỡi dao đã vướng cán, là lưỡi giáo đã có tay cầm. Dưới trần gian, trai gái nào mà không có đôi có lứa(4). Nữ Thần – Thế sao bây giờ đằng lưng ngươi còn ưng, đằng bụng ngươi còn nói nói cười cười với người khác? Ngươi nghĩ gì vậy? Đăm Săn – Tôi muốn có vợ lẽ thứ hai, muốn cả ba vợ tôi đều là những nàng tiên xinh đẹp. Tôi muốn đem nàng xuống trần làm duê(5), làm êngai(6), làm chị làm em với Hơ Nhị, Hơ Bhị. Nữ Thần – Sao ta lại đi? Tạo hoá đã định quê hương đất tổ của Mặt Trời Mặt Trăng là nơi cuối đất chân trời này rồi cơ mà. Đăm Săn – Nàng dù không đi thì tôi cũng đã rẽ đất đến đầu gối, lội bùn đến ngang hông, na đất na bùn đến nhà nàng rồi. Nữ Thần – Nhưng nếu ta đi thì lợn dưới gà trên, cọp tê giác ngựa trâu sẽ chết hết. Chết cả người Kur, người Lào vì hết đất làm nương. Chết cả người Ê-đê Ê-ga vì không còn nước uống.
---------------------------------- (2) Chong chóng gõ mõ (nguyên văn dhiăr): một công cụ tự động đuổi chim ở rẫy bằng tiếng động. (3) Là một công thức nói về cách đi đứng sao cho đẹp khi lỡ chân hụt bước. (4) Ý của Nữ Thần Mặt Trời là muốn hỏi Đăm Săn đã có vợ chưa và ý của Đăm Săn trả lời là đã có vợ rồi. (5), (6) Duê, êngai: từ chỉ những người nữ cùng họ trong thị tộc mẫu hệ. |
(Trang 110)
Chết cả gầm ghì cu xanh(1) vì không còn trái ăn. Nếu ta đi, cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô, lau lách sẽ ngừng đâm chồi, cỏ cây sẽ tàn lụi, đất đai sẽ nút nẻ, sông suối sẽ cạn khô. Thôi, người hãy đi lấy gùi nước về đi! Ta sắp ra đi đây. Đăm Săn – Tôi không về. Với cây chà gạc phát rẫy này, tôi đã rạch rừng tôi đi. Tôi đã giết tê giác trong thung, giết cọp beo trên núi, giết kên kên quạ dữ trên ngọn cây, chém ma thiêng quỷ ác trên đường đi. Tôi thương nàng da diết, lòng dạ tôi khôn nguôi, vì vậy tôi đã đến đây với nàng, muốn cùng nàng nên nghĩa vợ chồng, có lấy được nàng tôi mới về. Nữ Thần – Từ cái sàn sân này, ngươi hãy về đi! Ngươi hãy đi khỏi cái nhà này đi! Ta là con của Thần Trời, dù ngươi mới chỉ được ăn cơm, tắm nước lã, hương nghệ chưa vương(2) cũng đành vậy.
Đăm Săn – Tôi nghĩ tôi thương nàng hỡi người con của Thần Trời, nhưng cho đến bây giờ đằng lưng nàng đã không ưng, đằng bụng nàng cũng không ưa, cả tiếng nói tiếng cười với tôi nàng cũng tiếc. Tôi đành quay về làng hoang nhà cũ của tôi vậy, tôi quay về ăn thịt trâu thịt bò của tôi vậy. Nữ Thần – Ấy, ngươi đừng ra về vội! Ta ra đi bây giờ đây, ngươi chết mất thôi. Đăm Săn – Sống được chết đành! Tôi về đây.
3 Thế là Đăm Săn ra về. Chàng nhảy lên ngựa ra đi . Lúc này, mặt trời mới ló lên ở đầu núi, ngựa của Đăm Săn vẫn còn kiệu được. Khi ngựa đến giữa Rừng Đen thì mặt trời đã lên cao, mỗi lúc mỗi thêm cao, ngựa bắt đầu bị dính ở chân. Mặt trời lên cao nữa, khi nó chấm ngang cây xà dọc phía đông thì đất loãng ra. Ngựa tuy nhiên vẫn còn chạy được, nó tiếp tục chạy nhưng lún dần cho đến khi bị dính ngang đầu gối. Từ đó, nó phải đi bước một, cứ bước một đi mãi. Khi mặt trời lên quá cây xà dọc phía đông, ngựa đã lún đến sát bẹn, nhưng nó vẫn ráng bước tới. Cho đến khi mặt trời đứng bóng thì ngựa không sao bước tới được nữa. Nó đã bị ngập đến ngang lưng đến mức cả ngựa, cả Đăm Săn đều chìm xuống. (Nguyễn Hữu Thấu sưu tầm, biên dịch, chỉnh lí, Sử thi Ê-đê, Khan Đăm Săn và Khan Đăm Kteh Mlan, tập II, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 66 – 72) |
Đăm Săn (hay còn gọi là Bài ca chàng Đăm Săn) là pho sử thi nổi tiếng của người Ê-đê. Sử thi Đăm Săn thường được diễn xướng theo lối kể khan, trong đó già làng vừa kể, hát, vừa sử dụng nét mặt, điệu bộ để diễn tả câu chuyện bên bếp lửa nhiều đêm liền, trong các nhà dài, trên chòi rẫy, vào dịp lễ hội hay lúc nông nhàn. Nghe kể khan Đăm Săn là một truyền thống văn hoá của người Ê-đê.
---------------------------
(1) Gầm ghì cu xanh: các loại chim cu gáy.
(2) Hương nghệ chưa vương: ý nói chưa phải là người trưởng thành.
(Trang 111)
Trả lời câu hỏi
1. Tóm tắt những sự kiện chính trong đoạn trích. Những sự kiện đó thể hiện phẩm chất gì của người anh hùng Đăm Săn?
2. Lời kể, lời miêu tả, lời đối thoại có vai trò gì trong việc khắc hoạ nhân vật? Hãy làm rõ những đặc trưng của lời văn sử thi trong đoạn trích này.
3. Người kể chuyện trong đoạn trích này là ai? Hãy tìm hiểu một số thông tin về hình thức kể chuyện sử thi của người Ê-đê.
4. Theo bạn, hình tượng Nữ Thần Mặt Trời trong sử thi Đăm Săn mang những ý nghĩa gì?
5. Bạn có suy nghĩ gì về cái chết của Đăm Săn trong Rừng Đen? Phải chăng đó là kết quả tất yếu của việc theo đuổi một mục tiêu vượt quá giới hạn con người?
6. Qua đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, bạn nhận ra những đặc trưng nào trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Ê-đê xưa?
7. Qua hai đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác và Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, hãy nêu những điểm tương đồng và khác biệt trong quan niệm của người Hy Lạp cổ đại và người Ê-đê về người anh hùng.
Kết nối đọc – viết
Phải chăng một tác phẩm sử thi ra đời ở một thời đại quá xa xôi như I-li-át hay Đăm Săn không còn nhiều ý nghĩa đối với con người hiện đại?
Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày quan điểm của bạn.
(Trang 112)
Thực hành tiếng Việt
Sử dụng trích dẫn, cước chú và cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản
1. Đọc đoạn văn viết về tác giả Hô-me-rơ, sử thi I-li-át cùng đoạn giới thiệu đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác (tr. 103 – 104) và cho biết:
a. Tại sao lời trích dẫn trong đoạn văn giới thiệu về tác giả Hô-me-rơ không sử dụng dấu ngoặc kép?
b. Câu văn được đưa vào ngoặc kép trong đoạn văn từ “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác được coi là” đến “sáng tác nghệ thuật thời sau” có nội dung gì?
c. Phần được đánh dấu ngoặc vuông [....] ở đoạn văn từ “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác được coi là” đến “sáng tác nghệ thuật thời sau” có ý nghĩa gì?
2. Đọc đoạn văn trong phần 2 đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, từ câu: “Thế là Đăm Săn ra đi." đến “Chày nhà tù trưởng giàu có này giã gạo trông cứ lấp la lấp lánh!" và cho biết: a. Phần cước chú ở chân trang bao gồm những thông tin gì, được trình bày bằng hình thức như thế nào? Cho biết chức năng, tác dụng của những thông tin đó. b. Đoạn văn có bao nhiêu cước chú? Các cước chú đó thuộc những loại nào? | Để tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, cần tránh các lỗi thường gặp khi sử dụng trích dẫn: • Sử dụng trích dẫn (trực tiếp hoặc gián tiếp ) nhưng không ghi rõ xuất xứ. • Sử dụng trích dẫn trực tiếp nhưng không đặt trong dấu ngoặc kép. |
3. Tìm ở các bài đã học những ví dụ về trích dẫn (trực tiếp hoặc gián tiếp ), cước chú và tỉnh lược trong văn bản.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn