Nội Dung Chính
(Trang 9)
Yêu cầu cần đạt
• Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện nói chung và thần thoại nói riêng như: cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật, lời người kể chuyện ngôi thứ ba và lời nhân vật.
• Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.
• Viết được một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của một tác phẩm truyện.
• Biết thuyết trình (giới thiệu, đánh giá) về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện.
• Sống có khát vọng, có hoài bão và thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng.
TRI THỨC NGỮ VĂNCốt truyện Cốt truyện trong tác phẩm tự sự (thần thoại, sử thi, cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết,...) và kịch được tạo nên bởi sự kiện (hoặc chuỗi sự kiện). Sự kiện là sự việc, biến cố dẫn đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong thế giới nghệ thuật hoặc bộc lộ những ý nghĩa nhất định với nhân vật hay người đọc – điều chưa được họ nhận thấy cho đến khi nó xảy ra. Truyện kể Sự kiện trong cốt truyện được triển khai hoặc liên kết với nhau theo một mạch kể nhất định. Mạch kể này thống nhất với hệ thống chi tiết và lời văn nghệ thuật (bao gồm các thành phần lời kể, lời tả, lời bình luận,...) tạo thành truyện kể. |
(Trang 10)
Người kể chuyện
Truyện kể chỉ tồn tại khi có người kể chuyện. Trong nhiều loại hình tự sự dân gian, người kể chuyện có thể là người trực tiếp diễn xướng để kể lại câu chuyện cho công chúng. Trong các hình thức tự sự của văn học viết, người kể chuyện là “vai” hay “đại diện" mà nhà văn tạo ra để thay mình thực hiện việc kể chuyện.
Nhờ người kể chuyện, người đọc được dẫn dắt vào thế giới nghệ thuật của truyện kể để tri nhận về nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian,... Người kể chuyện cũng khơi dậy ở người đọc những suy tư về ý nghĩa mà truyện kể có thể gợi ra.
Nhân vật
Nhân vật là con người cụ thể được khắc hoạ trong tác phẩm văn học bằng các biện pháp nghệ thuật. Cũng có những trường hợp nhân vật trong tác phẩm văn học là thần linh, loài vật, đồ vật, ... nhưng khi ấy, chúng vẫn đại diện cho những tính cách, tâm lí, ý chí hay khát vọng của con người. Nhân vật là phương tiện để văn học khám phá và cắt nghĩa về con người.
Thần thoại
Thần thoại là thể loại truyện kể ra đời sớm nhất kể về thế giới thần linh, thể hiện quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người xưa. Căn cứ vào chủ đề, có thể chia thần thoại thành hai nhóm: thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (thần thoại suy nguyên); thần thoại kể về cuộc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá (thần thoại sáng tạo). Ra đời trong “tuổi ấu thơ” của loài người, do cách nhận thức thế giới bằng biểu tượng nên thần thoại mang tính nguyên hợp, chứa đựng các yếu tố nghệ thuật, tôn giáo, triết học, lịch sử,... Vì vậy, thần thoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ di sản văn hoá nguyên thuỷ của cộng đồng.
Thần thoại thường có cốt truyện đơn giản: có thể là cốt truyện đơn tuyến, tập trung vào một nhân vật hoặc là một tổ hợp nhiều cốt truyện đơn (tạo thành một “hệ thần thoại"). Nhân vật chính của thần thoại là các vị thần hoặc những con người có nguồn gốc thần linh, có năng lực siêu nhiên, do vậy, thường được miêu tả với hình dạng khổng lồ, có kích thước ngang tầm vũ trụ. Chức năng của nhân vật trong thần thoại là cắt nghĩa, lí giải các hiện tượng tự nhiên và đời sống xã hội, thể hiện niềm tin của con người cổ sơ cũng như những khát vọng tinh thần có ý nghĩa lâu dài của nhân loại. Câu chuyện trong thần thoại gắn liền với thời gian phiếm chỉ, mang tính ước lệ và không gian vũ trụ với nhiều cõi khác nhau. Lối tư duy hồn nhiên, chất phác mà sâu sắc cùng với trí tưởng tượng bay bổng, lãng mạn đã làm nên sức cuốn hút và sức sống lâu bền cho thần thoại.
(Trang 11)
Văn bản 1, 2, 3
Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới (*)
----------------------
Thần thoại Việt Nam
-----------------------
Nêu tên một truyện kể hoặc bộ phim có nhân vật chính là một vị thần. Theo bạn, điều gì làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm đó?
1. THẦN TRỤ TRỜI
Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời. Khi bầu trời đã cao vừa ý và đã khô cứng rồi, không hiểu sao thần lại phá cột đá đi. Thần ném vung đá và đất đi khắp mọi nơi mọi chỗ. Mỗi hòn đá văng ra bấy giờ thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung toé mọi nơi thành cồn đồi, thành cao nguyên. Vì thế mà bây giờ mặt đất chỗ cao, chỗ thấp không được bằng phẳng. Chỗ thần đào lên để lấy đất đá đắp cột bây giờ là biển cả. Cột đó bây giờ không còn. Sau này người hạ giới vẫn cho núi Thạch Môn(3), là di tích của cột đó; người ta gọi nó là Cột chống trời (Kính thiên trụ) cũng có người gọi là núi Không Lộ (đường lên trời) hay gọi là núi Khổng Lồ. -------------------------------- (*) Nhan đề do người biên soạn sách giáo khoa đặt. (1) Hỗn độn: lộn xộn, lẫn lộn, không có trật tự; ở đây chỉ trạng thái tồn tại của vũ trụ thuở sơ khai, theo cách hình dung của người xưa. (2) Cầy cục: cố sức thực hiện công việc một cách vất vả. (3) Núi Thạch Môn: còn gọi là núi Kính Chủ, nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. |
(Trang 12)
Không hiểu sau đó rồi vị thần ấy chết hay sống, hay là trở thành Ngọc Hoàng(1). Việc đó không thấy dân gian kể đến. Nhưng chắc rằng cũng cách khoảng thời gian ấy không lâu có một vị thần có tên là Ngọc Hoàng hay ông Trời cai quản tất cả mọi việc trên trời dưới đất. Sau thần Trụ Trời phân khai trời đất thì có một số thần khác được phân công hoặc lên trời hoặc xuống đất để tiếp tục công việc kiến thiết ra thế giới. Nào thần làm sao, nào thần đào sông, nào thần tát biển, thần nghiền cát nghiền sỏi, thần trồng cây,... Vì thế mà trong nhân dân ta có câu hát hiện còn lưu hành: Nhất ông đếm cát, Nhì ông tát bể (biển), Ba ông kể sao, Bốn ông đào sông, Năm ông trồng cây, Sáu ông xây rú(2), Bảy ông trụ trời.....
Câu hát ấy chỉ là để so sánh tài năng của các thần nhưng cũng cho ta biết một phần nào công việc hồi khai thiên lập địa. (Theo Nguyễn Đổng Chi – Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 67 – 69) 2. THẦN SÉTTrong đám tướng lĩnh của Ngọc Hoàng trước tiên phải kể thần Sét. Thần Sét có danh hiệu là Thiên Lôi, cũng có khi được gọi là ông Sấm. Thần có mặt mũi rất nanh ác, tiếng quát tháo rất dữ dội. Thần chuyên một việc thi hành luật pháp ở trần gian. Hành động của thần phản ánh sự thịnh nộ của Ngọc Hoàng. Thần có một lưỡi búa đá. Khi xử án kẻ nào dù là người, là vật, là cây cỏ thì thần tự mình nhảy xuống tận nơi trỏ ngọn cờ vào đầu tội nhân rồi dùng lưỡi búa bổ xuống đầu. Có khi xong việc, thần không mang lưỡi búa lên theo mà quẳng luôn tại đó. Thần thường ngủ về mùa đông, vào khoảng tháng Hai, tháng Ba mới lại dậy làm việc.
Tính thần Sét rất nóng nảy: hễ Ngọc Hoàng sai là đi ngay, hễ thấy là đánh liền cho nên cũng có lúc làm cho người, vật chết oan. Vì thế mà thần Sét đã có lúc bị Ngọc Hoàng phạt vì đánh lầm giết hại kẻ vô tội. Người ta kể chuyện: có lần thần bị bắt nằm im một nơi không cựa quậy trong một đám rừng ở thiên đình. Con gà thần của Ngọc Hoàng được lệnh thỉnh thoảng lại mổ một cái làm cho thần đau nhói cả người nhưng không --------------------------------- (1) Ngọc Hoàng: còn gọi là Ngọc Hoàng Thượng đế, vua trên trời. Những danh xưng này được đặt ra và cố định hoá ở thời trung đại, trong quá trình thần Trụ Trời được tôn giáo hoá. |
(Trang 13)
biết làm thế nào được. Khi được Ngọc Hoàng tha, thần có thói quen là hễ thấy hoặc nghe tiếng gà là giật mình. Mỗi lần có chớp rạch, biết thần Sét sắp xuống, người hạ giới thường bắt chước tiếng gọi gà để doạ thần có lẽ cũng vì cớ đó. Thần Sét kể ra thì cực oai, cực dữ, nhưng không ai có thể tưởng tượng được rằng thần bị thua Cường Bạo Đại vương (1) . Mặc dầu ông Cường Bạo sau rồi cũng bị thần Sét đánh chết nhưng câu chuyện này đã một dạo làm cho cả thiên đình xấu hổ. (Theo Nguyễn Đổng Chi – Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 87 – 88) 3. THẦN GIÓThần Gió có một hình dạng kì quặc. Thần không có đầu. Bảo bối của thần là một thứ quạt màu nhiệm. Thần sẽ làm gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tuỳ theo lệnh Ngọc Hoàng. Khi thần Gió phối hợp với thần Mưa, có khi cả thần Sét nữa cùng hoạt động là những lúc đáng sợ nhất. Thỉnh thoảng thần xuống hạ giới đi chơi vào những buổi tối trời. Đó là lúc giữa đồng bằng tự nhiên nổi lên trận gió xoáy, dân gian thường gọi là thần Cụt Đầu.
Thần Gió có một đứa con còn nhỏ hay nghịch ngợm. Người ta kể chuyện: có một hôm thần đi vắng, đứa con ở nhà giở quạt của cha làm gió thổi chơi. Lúc ấy ở hạ giới có một người vì mất mùa đói khổ, tìm không ra cái ăn. Hôm đó, trong nhà lại có vợ đau nặng, ông ta phải cất công đi rất xa hơn một ngày đường mới xin được một bát gạo để về nấu cháo cho vợ. Về đến nhà, ông mang gạo xuống ao để vo. Lúc đó trời quang mây tạnh. Đột nhiên trận gió do con thần Gió quạt lên tứ tung làm cho bát gạo của người kia đụng trong rá văng xuống ao. Người nọ khóc lóc thảm thiết, không biết bắt đền ai, căm tức thần Gió vô hạn, quyết tâm kiện lên thiên đình. Ngọc Hoàng nghe rõ câu chuyện mới đòi thần Gió đến quở trách. Thần Gió thú thật là có đứa con ở nhà nghịch bậy. Ngọc Hoàng cho đó là tội không thể tha thứ được, liền đày con thần Gió xuống trần, bắt đi chăn trâu cho người mất gạo kia. Sau đó ít lâu, Ngọc Hoàng lại bắt con thần Gió hoá làm cây ngải để báo tin gió cho thiên hạ. Người hạ giới thường gọi là cây ngải gió hoặc cây ngải tướng quân. Mỗi lần cây ngải gió cuốn bông cuốn lá lại, người hạ giới biết là trời sắp nổi gió, nổi mưa. Lại mỗi lần trâu bị cảm gió, người ta thường lấy lá cây ngải để chữa, vì cho rằng nó có kinh nghiệm về bệnh của trâu trong thời gian giữ trâu cho người mất gạo.
(Theo Nguyễn Đổng Chi – Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 93 – 94) ----------------------------- (1) Cường Bạo Đại vương: nhân vật trong truyện cổ dân gian Việt Nam, bản tính ngang tàng, một mình chống lại các vị thần, mấy phen khiến Thiên Lôi phải thảm bại. |
(Trang 14)
Thần thoại Việt Nam cho đến nay, mặc dù đã bị mai một ít nhiều, vẫn là một di sản phong phú với hàng trăm truyện kể của người Kinh và các dân tộc thiểu số. Trong một số bộ sách mang tính chất sưu tầm, tuyển chọn, nhiều thần thoại đã được đặt lẫn với các truyền thuyết, cổ tích, do vậy, màu sắc riêng của thần thoại ít nhiều bị làm mờ nhạt.
Thần thoại Việt Nam gồm có hai nhóm: thần thoại suy nguyên và thần thoại sáng tạo. Ở nhóm thần thoại suy nguyên, nhiều truyện có cách hình dung, lí giải về sự hình thành thế giới tự nhiên, nguồn gốc con người và vạn vật rất gần gũi với các hệ thống thần thoại khác trên thế giới. Nhân vật chính của thần thoại suy nguyên là các vị thần sáng tạo thế giới: trời đất, mặt trời, mặt trăng, sông biển, mưa, gió, sấm, sét, muôn loài. Nhóm truyện thần thoại sáng tạo có nhân vật chính là các anh hùng thần thoại và anh hùng văn hoá. Kì tích của họ phản ánh vẻ đẹp riêng của cuộc sống lao động, tín ngưỡng và văn hoá của từng cộng đồng.
Trả lời câu hỏi
1. Xác định thời gian, không gian, nhân vật và sự kiện chính trong từng truyện kể.
2. Hãy chỉ ra một số dấu hiệu giúp người đọc nhận biết ba truyện kể trên thuộc nhóm thần thoại suy nguyên.
3. Trong cái nhìn của con người thời cổ đại, thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét có hình dạng và tính khí ra sao? Sự tưởng tượng về các vị thần ấy được hình thành trên cơ sở nào?
4. Công việc của thần Trụ Trời, thần Sét và thần Gió là gì? Công việc đó được miêu tả như thế nào, nhằm mục đích gì?
5. Hình tượng thần Trụ Trời, thần Sét và thần Gió phản ánh những quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên? Những khát vọng nào đã được họ gửi vào các hình tượng đó?
6. Chỉ ra những đặc điểm nổi bật trong cách xây dựng nhân vật của chùm truyện. Từ đó, nhận xét về thái độ, tình cảm của người xưa đối với thế giới tự nhiên.
7. Trong những điều làm nên vẻ đẹp “một đi không trở lại" của thần thoại, có niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn. Theo bạn, niềm tin ấy có còn sức hấp dẫn với con người hiện đại không? Vì sao?
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một chi tiết kì ảo trong một truyện thần thoại đã học hoặc tự đọc thêm.
(Trang 15)
VĂN BẢN 4
Tản Viên từ Phán sự lục
(Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên) (*)
---------------------------
Nguyễn Dữ(1)
---------------------------
• Bạn có thích đọc những truyện kể chứa đựng các yếu tố kì ảo không? Vì sao?
• Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta phải chứng kiến hoặc trải qua những sự việc ngang trái, bất công. Lúc đó, bạn cảm thấy như thế nào và mong muốn điều gì?
1 Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang(2). Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực. Trong làng trước có một ngôi đền linh ứng lắm. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ(3)họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian. Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời, rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vẫn vung tay không cần gì cả.
2 Đốt đền xong, chàng về nhà, thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét. Trong khi sốt, chàng thấy một người khôi ngô, cao lớn, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng và quần áo rất giống người phương Bắc, tự xưng là cư sĩ (4), đến đòi làm trả lại ngôi đền như cũ và nói: ---------------------------------- (*) Đền Tản Viên: đền thờ Tản Viên Sơn Thánh – một trong bốn vị thần linh thiêng (Tử bất tử) trong tín ngưỡng dân gian của người Việt; nay thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Phán sự: một chức quan trông coi việc xử án thời xưa. (1) Nguyễn Dữ: có sách phiên âm là Nguyễn Tự (2) Huyện Yên Dũng đất Lạng Giang: lộ Lạng Giang đời Trần, Hồ là miền đất thuộc tỉnh Bắc Giang và một phần tây nam tỉnh Lạng Sơn ngày nay. Huyện Yên Dũng nay thuộc tỉnh Bắc Giang. (3) Bách hộ: một chức quan võ cấp thấp ở Trung Quốc, thời Minh. (4) Cư sĩ: trí thức ở ẩn thời phong kiến hoặc người theo đạo Phật, tu tại gia. |
(Trang 16)
– Nhà ngươi đã theo nghiệp nho, đọc sách vở của thánh hiền, há không biết cái đức của quỷ thần sao, cớ gì lại dám khinh nhờ, huỷ tượng, đốt đền, khiến cho hương lửa không có chỗ tựa nương, oai linh không có nơi hiển hiện, vậy bảo làm sao bây giờ? Biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ huỷ đền Lư Sơn, Cố Thiệu(1) sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ. Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên. Người kia tức giận nói: – Phong đô(2)không xa xôi gì, ta tuy hèn, há lại không đem nổi nhà ngươi đến đấy. Không nghe lời ta thì rồi sẽ biết. Nói rồi phất áo đi. Chiều tối, lại có một ông già, áo vải mũ đen, phong độ nhàn nhã, thủng thỉnh đi vào đến trước thềm, vái chào mà rằng: – Tôi là Thổ công ở đây, nghe thấy việc làm rất thú của nhà thầy, vậy xin đến để tỏ lời mừng. Tử Văn kinh ngac nói: – Thế người đội mũ trụ đến đây ban nãy, chẳng phải là Thổ công đấy ư? Sao mà nhiều thần quá vậy? Ông già nói: – Ô, đấy là viên tướng bại trận của Bắc triều, cái hồn bơ vơ ở Nam quốc, tranh chiếm miếu đền của tôi, giả mạo họ tên của tôi, quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược(3), Thượng đế bị nó bung bít, hạ dân bị nó quấy rầy, phàm những việc hung yêu tác quái(4)đều tự nó cả, chứ có phải tôi đâu. Xin kể đầu đuôi để nhà thầy nghe: “Tôi làm chức Ngự sử đại phu(5)từ đời vua Lý Nam Đế, vì chết về việc cần vương(6)mà được phong(7)ở đây, giúp dân độ vật(8)đã hơn một nghìn năm nay, khi nào lại làm việc gieo tai rắc vạ để kiếm miếng ăn như tên giặc giảo hoạt kia đã làm. Gần đây vì tôi thiếu sự đề phòng, bị nó đánh đuổi, nên phải đến nương tựa ở đền Tản Viên đã vài năm nay”.
Tử Văn nói: – Việc xảy ra đến như thế, sao ngài không kiện ở Diêm Vương và tâu lên Thượng đế, lại đi khinh bỏ chức vị, làm một người áo vải nhà quê? ---------------------------- (1) Cổ Thiệu: người thời Tam Quốc, làm quan Thú ở quận Dư Chương, phá bỏ tất cả đền thờ thần bất chính, huỷ cả đền Lư Sơn. Cổ Thiệu mộng thấy thần Lư Sơn hiện lên đòi làm trả đền. Ít lâu sau, ông bị ốm và mất. (2) Phong đô: nơi xử án ở cõi âm. (3)Thảm ngược: sai trái, tàn ác. (4)Hưng yêu tác quái: kích động và làm những việc xấu xa, hại người. (5)Ngự sử đại phu: chức quan chuyên việc can gián nhà vua. (6) Cần vương: giúp đỡ, phò tá nhà vua trong hoàn cảnh nguy biến. (7)Phong: ban cho. (8) Độ vật: phù hộ, che chở cho vạn vật được bình an, sinh sôi, nảy nở. |
(Trang 17)
Ông già chau mặt nói: – Rễ ác mọc lan, khó lòng lay động. Tôi đã định thưa kiện, nhưng mà có nhiều nỗi ngăn trở: Những đền miếu gần quanh, vì tham của đút, đều bênh vực cho nó cả. Tôi chỉ giữ được một chút lòng thành, nhưng không làm thế nào để thông đạt được lên, cho nên đành tạm ẩn nhẫn(1)mà ngồi xó một nơi. Tử Văn nói: – Hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không? – Hắn quyết chống chọi với nhà thầy, hiện đã kiện thầy ở Minh ti(2).Tôi nhân lúc hắn đi vắng, lén đến đây báo cho nhà thầy biết để mà liệu kế, khỏi phải chết một cách oan uổng. Ông già lại dặn Tử Văn: – Hễ ở Minh ti có tra hỏi, thầy cứ khai ra những lời nói của tôi. Nếu hắn chối, thầy kêu xin tư giấy(3)đến đền Tản Viên, tôi sẽ khai rõ thì nó phải đớ miệng. Nếu không như thế thì tôi đến vùi lấp trọn đời mà thầy cũng khó lòng thoát nạn. 3 Tử Văn vâng lời. Đến đêm, bệnh càng nặng thêm, rồi thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành về phía đông. Đi độ nửa ngày đến một toà nhà rất lớn, xung quanh có thành sắt cao vọi đến mấy chục trượng. Hai tên quỷ đến nói với người canh cổng, người canh cổng đi vào một lúc rồi ra truyền chỉ rằng:
– Tội sâu ác nặng không được dự vào hàng khoan giảm. Nói rồi xua tay bảo đi ra phía bắc. Ở đó có một con sông lớn, trên sông bắc một cái cầu dài ước hơn nghìn bước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác. Hai con quỷ dùng gông dài, thừng lớn gông trói Tử Văn mà giải đi rất nhanh, Tử Văn kêu to: – Ngô Soạn này là một kẻ sĩ(4)ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng. Chợt nghe trên điện có lời quát: – Tên này bướng bỉnh ngoan cố, nếu không phán đoán cho rõ, chưa chắc nó đã chịu nhận tội. Bèn sai dẫn Tử Văn vào cửa điện. Tử Văn vào đến nơi, thấy người đội mũ trụ đương kêu cầu ở trước sân. ---------------------------- (1) Ấn nhẫn: nén nhịn, chịu đựng ngấm ngầm (không để lộ sự tức giận). (2) Minh ti: âm phủ. (3)Tư giấy: đưa giấy gọi, triệu tập của quan trên. (4) Kẻ sĩ: người có học, trí thức chân chính. |
(Trang 18)
– Kẻ kia là một cư sĩ, trung thuần(1) lẫm liệt(2), có công với tiên triều, nên Hoàng thiên cho được hưởng cúng tế ở một ngôi đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ, sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào? Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào. Người đội mũ trụ nói: – Ấy là trước Vương phủ mà hắn còn ghê gớm như thế, mồm năm miệng mười, đơm đặt bịa tạc. Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu hắn sợ gì mà không dám cho một mồi lửa. Hai bên cãi cọ nhau mãi vẫn không phân phải trái, vì thế Diêm Vương sinh nghi. Tử Văn nói: – Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi; không đúng như thế, tôi xin chịu thêm cái tội nói càn. Bấy giờ người kia mới có vẻ sợ, quỳ xuống tâu rằng:
– Gã kia một kẻ học trò, thật là ngu bướng, quả đáng tội lắm. Nhưng đã trách mắng như vậy, cũng đủ răn đe rồi. Xin đại vương khoan dung tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Chẳng cần đòi hỏi dây dưa. Nếu thẳng tay trị tội nó, sợ hại đến cái đức hiếu sinh. Diêm Vương quát lớn rằng: – Cứ như lời hắn thì nhà ngươi đáng tội chết. Điều luật trị tội lừa dối đã sẵn sàng đó. Cớ sao nhà ngươi dám làm sự lập lờ nhận tội như vậy? Diêm Vương lập tức sai người đến đền Tản Viên để lấy chứng thực. Sai nhân(3), về tâu, nhất nhất đúng với lời Tử Văn. Vương cả giận, bảo các Phán quan rằng: – Lũ các ngươi chia toà sở, giữ chức sự, cầm lệnh chí công(4), làm phép chí công, thưởng thì xứng đáng mà không thiên vị, phạt thì đích xác mà không nghiệt ngã, vậy mà còn có sự dối trá càn bậy như thế; huống chi về đời nhà Hán, nhà Đường buôn quan bán ngục, thì những mối tệ còn nói sao hết được! Diêm Vương liền sai lấy lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng, bỏ người ấy vào ngục Cửu U(5). Vương nghĩ Tử Văn có công trừ hại, truyền cho vị thần đền kia, từ nay phần xôi lợn của dân cúng tế, nên chia cho Tử Văn một nửa và sai lính đưa Tử Văn về.
------------------------------ (1) Trung thuần: ngay thẳng, trong sạch, hết lòng vì bổn phận. (2) Lẫm liệt: nghiêm trang, oai phong khiến người khác kính sợ. (3) Sai nhân: người chuyên được sai phái phụ giúp công việc ở các cơ quan chính quyền thời trước. (4) Chi công: hết sức công bằng, không chút thiên vị. (5) Ngục Cửu U: tầng sâu nhất, đáng sợ nhất trong chín tầng ngục dưới âm phủ (theo tín ngưỡng dân gian). |
(Trang 19)
Chàng về đến nhà, té ra mình chết đã được hai ngày rồi. Nhân đem những việc đã qua kể cho mọi người nghe, ai cũng kinh hãi và không tin là thực. Sau đó họ đón một bà đồng(1)về phụ bóng(2), đồng lên cũng nói đúng như lời Tử Văn. Người làng bèn mua gỗ, dựng lại một toà đền mới. Còn ngôi mộ của tên tướng giặc kia thì tự dưng thấy bị bật tung lên, hài cốt tan tành ra như cám vậy. 4 Sau đó một tháng, Tử Văn thấy Thổ công đến bảo: – Lão phu đã trở về miếu, công của nhà thầy, không biết lấy gì đền đáp được. Nay thấy ở đền Tản Viên khuyết một chân Phán sự, lão đã vì nhà thầy hết sức tiến cử, được đức Thánh Tản ngài đã bằng lòng, vậy xin lấy việc đó để đền ơn nghĩa. Người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau. Nếu trùng trình(3)độ nửa tháng, sợ sẽ về tay người khác. Nên cố gắng đi, đừng coi là việc thường. Tử Văn vui vẻ nhận lời, bèn thu xếp việc nhà, rồi không bệnh mà mất. Năm Giáp Ngọ, có người ở thành Đông Quan(4)vốn quen biết với Tử Văn, một buổi sớm đi ra ngoài cửa tây vài dặm, trông thấy trong sương mù có xe ngựa đi đến ầm ầm, lại nghe tiếng quát: – Người đi đường tránh ra, xe quan Phán sự!
Người ấy ngẩng đầu trông thì thấy người ngồi trên xe chính là Tử Văn. Song Tử Văn chỉ chắp tay thi lễ chứ không nói một lời nào, rồi thoắt đã cưỡi gió mà biến mất. Đến nay con cháu Tử Văn hãy còn, người ta truyền rằng đó là “nhà quan Phán sự”. Lời bình Than ôi! Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm? Ngô Tử Văn là một anh chàng áo vải. Vì cứng cỏi mà dám đốt đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và được giữ chức vị ở Minh ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.
(Bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, in trong Ngữ văn 10 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2020, tr. 74 – 79) --------------------------- (1) Bà đồng: còn gọi là bà cốt, chỉ người đàn bà tham gia thực hiện nghi thức hầu đồng trong một số sinh hoạt tín ngưỡng dân gian (đồng cốt, đồng bóng là các từ gọi chung những người làm công việc trên, kể cả nam lẫn nữ). (2) Phụ bóng: nghĩa đen là đội hồn (phụ: mang, đội; bóng: hồn vía, bóng vía), một nghi thức giao tiếp với hồn người chết hay với thần linh trong buổi lên đồng theo tín ngưỡng dân gian. (3) Trùng trình: còn được viết là chùng chình; chỉ sự lần lữa, không dứt khoát trong một việc làm hay lựa chọn nào đó. (4) Đông Quan: tên gọi thành Thăng Long thời nước ta bị giặc Minh xâm lược và đô hộ. |
(Trang 20)
Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh và năm mất) quê ở tỉnh Hải Dương. Ông thi đỗ cử nhân thời Lê – Mạc nhưng chỉ làm quan chưa đầy một năm, sau đó từ quan, về quê sống ẩn dật trọn đời.
Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên được trích từ tập truyện Truyền kì mạn lục (Ghi chép tuỳ hứng những chuyện kì lạ) của Nguyễn Dữ. Tập truyện này được sáng tác vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVI theo thể loại truyền kì. Tác phẩm gồm 20 truyện, được viết bằng chữ Hán với hình thức văn xuôi xen lẫn thơ, ca, từ, biền văn; cuối mỗi truyện đều có lời bình. Truyền kì mạn lục phong phú về đề tài, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc; được đánh giá là đỉnh cao của thể loại truyền kì Việt Nam thời trung đại. Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên thuộc nhóm truyện viết về đề tài Nho sĩ.
Trả lời câu hỏi
1. Xác định người kể chuyện trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên. Những lời kể nào giúp bạn có được sự hình dung ban đầu về tính cách của nhân vật Tử Văn?
2. Nêu các sự kiện chính của câu chuyện. Các sự kiện đó được trình bày theo trình tự nào?
3. Tóm tắt diễn biến câu chuyện xử án. Chỉ ra các yếu tố góp phần làm nên chiến thắng của Tử Văn trong phiên toà. Theo bạn, yếu tố nào đóng vai trò quyết định trong chiến thắng đó?
4. Nhân vật Tử Văn được khắc hoạ chủ yếu qua những chi tiết nào? Chọn phân tích một số chi tiết tiêu biểu, từ đó, nhận xét khái quát về tính cách nhân vật này.
5. Sáng tạo chi tiết người đi đường gặp Tử Văn ngồi trên “xe quan Phán sự” và việc người đời sau truyền nhau về “nhà quan Phán sự", tác giả muốn nhấn mạnh điều gì?
6. Thế giới thần linh, ma quỷ trong truyện là sản phẩm hư cấu nghệ thuật của Nguyễn Dữ. Khám phá thế giới đó, bạn hiểu thêm được điều gì về chủ đề của tác phẩm?
7. Nêu quan niệm về kẻ sĩ được thể hiện trong lời bình cuối truyện. Bạn có đồng tình với quan niệm đó không? Vì sao?
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của câu chuyện trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên.
(Trang 21)
VĂN BẢN 5
Chữ người tử tù
----------------
Nguyễn Tuân
----------------
Dựa vào nhan đề Chữ người tử tù, bạn thử suy đoán xem tác phẩm viết về câu chuyện gì.
1 Nhận được phiến trát(1)của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường(2), viên quan coi ngục quay lại hỏi thầy thơ lại(3)giúp việc trong đề lao: – Này, thầy bát(4), cứ công văn này, thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém. Trong đó, tôi nhận thấy tên người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao(5). Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao! Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?
Thầy thơ lại xin phép đọc công văn. – Dạ, bẩm chính y đó. Dạ, bẩm có chuyện chi vậy? – Không, tôi nghe tên quen quen và thấy nhiều người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn, thì tôi cũng hỏi thế thôi. Thôi, cho thầy lui. À, nhưng mà thong thả. Thầy bảo ngục tốt(6)nó quét dọn lại cái buồng cuối cùng. Có việc dùng đến. Thầy liệu cái buồng giam đó có cầm giữ nổi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không? Thầy có nghe thấy người ta đồn Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khoá và vượt ngục nữa không? --------------------------------- (1) Phiền trát: tờ lệnh của quan trên truyền xuống. (2) Đốc bộ đường: dinh quan Tổng đốc. (3) Thơ lại: tức thư lại, là viên chức trông coi việc giấy tờ ở cửa quan. (4) Thầy bát: người mang hàm bát phẩm – bậc thứ tám trong chín bậc quan chức thời phong kiến. (5) Huấn Cao: Huấn đạo họ Cao (Huấn đạo là chức quan trông coi việc học ở một huyện). (6) Ngục tốt: lính coi ngục. |
(Trang 22)
– Dạ bẩm, thế ra y văn võ đều có tài cả. Chà chà! – Ờ, cũng gần như vậy. Sao thầy lại chặc lưỡi? – Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm. Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc. – Chuyện triều đình quốc gia, chúng ta biết gì mà bàn bạc cho thêm lời. Nhỡ ra lại vạ miệng thì khốn. Thôi, thầy lui về mà trông nom việc dưới trại giam. Mai, chúng ta phải dậy sớm để cho có mặt ở cửa trại trước khi lính tỉnh trao tù cho mình lĩnh nhận. Đêm nay, thầy bắt đầu lấy thêm lính canh. Mỗi chòi canh, đều đặt hai lính. Chòi nào bỏ canh, hễ mỗi vọng canh ngủ quên không đánh kiểng đánh mõ, thầy nhớ biên cho rõ, cho đúng để mai tôi phạt nặng. Chớ có cho mấy thằng thập nó đánh bạc nghe! Thầy thơ lại rút chiếc hèo hoa(1)ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om. Nơi góc chiếc án thư(2) cũ đã nhợt màu vàng son, một cây đèn đế leo lét rọi vào một khuôn mặt nghĩ ngợi. Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương. Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó cắn ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân trời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ. Nơi góc án thư vàng đã nhợt, son đã mờ, đĩa dầu sở(3)trên cây đèn nến vợi lần mực dầu. Hai ngọn bấc lép bép nổ, rụng tàn đèn xuống tập giấy bản đóng dấu son ti Niết(4). Viên quan coi ngục ngấc đầu, lấy que hương khêu thêm một con bấc. Ba cái tim bấc được chụm nhau lại, cháy bùng to lên, soi tỏ mặt người ngồi đấy. Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự(5), bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng kín đáo và êm nhẹ. Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn bằng lừa lọc; tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.
----------------------------------- (1) Hèo hoa: cái gậy làm bằng thân cây hèo, có cuốn tua ở trên đầu. (2) Án thư: bàn đặt sách vở, giấy bút, dùng làm nơi để đọc và viết. (3) Đĩa dầu sở: đĩa đựng dầu ép từ hạt quả sở, đặt tim bấc để thắp sáng. (4) Ti Niết: nơi coi việc tư pháp trong một tỉnh. (5) Tư lự: lo nghĩ. |
(Trang 23)
Ông trời nhiều khi hay chơi ác đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền(1)tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt. Ngục quan lấy làm nghĩ ngợi về câu nói ban chiều của thầy thơ lại. “Có lẽ lão bát này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cục trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác(2)với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tử hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu”.
2 Sớm hôm sau, lính tỉnh dẫn đến của ngục thất sáu tên tù mà công văn chiều hôm qua đã báo trước cho ngục quan biết rõ tên tuổi, làng xóm và tội hình. Sáu phạm nhân mang chung một chiếc gông dài tám thước(3). Cái thang dài ấy đặt ngang trên sáu bộ vai gầy. Cái thang gỗ lim nặng, đóng khung lấy sáu cái cổ phiến loạn, nếu đem bắc lên mỏ cân, có thể nặng đến bảy tám tạ. Thật là một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù. Gỗ thân gông đã cũ và mồ hôi cổ mồ hôi tay kẻ phải đeo nó đã phủ lên một nước quang dầu bóng loáng. Những đoạn gông đã bóng thì loáng như có người đánh lá chuối khô. Những đoạn không bóng thì lại xỉn lại những chất ghét đen sánh. Trong khi chờ đợi cửa ngục mở rộng, Huấn Cao, đứng đầu gông, quay cổ lại bảo mấy bạn đồng chí: – Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi. Sáu người đều quỳ cả xuống đất, hai tay ôm lấy thành gông đầu cúi cả về phía trước. Một tên lính áp giải đùa một câu: – Các người chả phải tập nữa. Mai mốt chi đây sẽ có người sành sỏi dẫn các người ra làm trò ở pháp trường. Bấy giờ tha hồ mà tập. Đứng dậy không ông lại phết cho mấy hèo bây giờ. Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt. Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen. Cánh cửa đề lao mở rộng.
Sáu người né mình tiến vào như một bọn thợ nề, thận trọng khiêng cái thang gỗ đặt ngang trên vai. ------------------------------------ (1) Tâm điền: lòng dạ con người. (2) Cáo giác: tố giác ai đó với chính quyền để kết tội. (3) Thước: đơn vị đo độ dài thời xưa, khoảng 0,33 m. |
(Trang 24)
Trái với phong tục nhận tù mọi ngày, hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn có biệt nhỡn(1) đối riêng với Huấn Cao. Bọn lính lấy làm lạ, đều nhắc lại: – Bẩm thầy, tên ấy chính là thủ xướng(2). Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn. Mấy tên lính, khi nói chữ “để tâm” có ý nhắc viên quan coi ngục còn chờ đợi gì mà không giở những mánh khoé hành hạ thường lệ ra. Ngục quan ung dung: – Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời. Bọn lính giãn cả ra, nhìn nhau mà không hiểu. Sáu tên tử tù có ngạc nhiên về thái độ quản ngục. Suốt nửa tháng, ở trong buồng tối, ông Huấn Cao vẫn thấy một người thơ lại gầy gò, đem rượu đến cho mình uống trước giờ ăn bữa cơm tù. Mỗi lúc dâng rượu, với thúc nhắm, người thơ lại lễ phép nói: “Thầy quản chúng tôi có ít quà mọn này biểu ngài dùng cho ấm bụng. Trong buồng đây, lạnh lắm”.
Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu và ăn thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình(3)lúc chưa bị giam cầm. Rồi đến một hôm, quản ngục mở khoá cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn: – Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền luỵ riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất. Ông đã trả lời quản ngục: – Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người dùng đặt chân vào đây. Khi nói câu mà ông cố ý làm ra khinh bạc đến điều, ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục. Đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này. Ngục quan đã làm cho ông Huấn bực mình thêm, khi nghe xong câu trả lời, y chỉ lễ phép lui ra với một câu: “Xin lĩnh ý”. Và từ hôm ấy, cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước nữa; duy chỉ có y là không đặt chân vào buồng giam ông Huấn. Ông Huấn càng ngạc nhiên nữa: năm bạn đồng chí của ông cũng đều được biệt đãi như thế cả. Có nhiều đêm, ngoài việc nghĩ đến chí lớn không thành, ông Huấn Cao còn phải bận tâm nghĩ đến sự tươm tất của quản ngục: “Hay là hắn muốn dò đến những điều bí mật --------------------------------- (1) Biệt nhãn: cái nhìn, thái độ ứng xử thể hiện sự kính trọng đặc biệt. (2) Thủ xưởng: người cầm đầu, khởi xướng một vụ việc nào đó. (3) Hứng sinh bình: niềm hứng thú thường trải qua trong đời. |
(Trang 25)
của ta?”. “Không, không phải thế, vì bao nhiêu điều quan trọng, ta đã khai bên ti Niết cả rồi. Ta đã nhận cả. Lời cung ta kí rồi. Còn có gì nữa mà dò cho thêm bận”. Trong đề lao, ngày đêm của tử tù đợi phút cuối cùng đúng như lời thơ xưa, vẫn đằng đẵng như nghìn năm ở ngoài. Viên quản ngục, không lấy làm oán thù thái độ khinh bạc của ông Huấn. Y cũng thừa hiểu những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại(1)giữ tù. Quản ngục chỉ mong mỏi một ngày rất gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho... cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua sẵn và can lại kia. Thế là y mãn nguyện.
Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện(2) của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh(3), trừ chỗ tri kỉ(4), ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời nữa. 3 Một buổi chiều lạnh, viên quản ngục tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc công văn. Quan Hình bộ Thượng thư trong kinh bắt giải ông Huấn Cao và các bạn đồng chí của ông vào kinh. Pháp trường lập ở trong ấy kia. Ngày mai, tinh mơ, sẽ có người đến giải tù đi. Viên quản ngục vốn đã tin được thầy thơ lại, cho lính gọi lên, kể rõ tâm sự mình. Thầy thơ lại cảm động nghe xong chuyện, nói: “Dạ xin ngài cứ yên tâm, đã có tôi”. Rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn đấm cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng quản ngục, và ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn biết việc về kinh chịu án tử hình. Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về bảo chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh(5)không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình(6)và một bức trung đường(7)cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài(8)của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. -------------------------------------- (1) Tiểu lại: viên chức nhỏ nơi cửa quan. (2) Sở nguyện: điều mình hằng mong ước. (3) Khoảnh: khó tính, hay kén chọn, kiêu kì, cao ngạo. (4) Tri kỉ: người hiểu mình. (5) Nhất sinh: suốt một đời. (6) Tứ bình: bộ tranh hoặc thư pháp gồm bốn bức có kích thước tương đương, có mối liên kết với nhau về chủ đề. (7) Bức trung đường: còn gọi là bức hoành phi, hình chữ nhật, đặt nằm ngang, thường ở phía trên và giữa hai câu đối nơi điện thờ hoặc gian chính của ngôi nhà (cũng có thể đặt tại ngôi nhà chính nằm giữa một quần thể kiến trúc). (8) Liên tài: quý trọng người có tài. |
(Trang 26)
Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián. Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản(1), ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo: – Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một búc lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mục, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương(2) cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.
Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo. Ba người nhìn bức châm(3), rồi lại nhìn nhau. Ngục quan cảm động vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
(Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập một, NXB Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 126 – 133) ----------------------------------- (1) Lạc khoản: dòng chữ nhỏ ở góc dưới bức tranh, trướng, câu đối,... ghi ngày tháng, tên người vẽ, viết. (2) Thiên lương: bản tính tốt đẹp vốn có của con người. (3) Bức châm: bức viết một bài châm (châm: một thể văn cổ, ngắn, có vần, thường mang nội dung giáo huán). |
(Trang 27)
Nguyễn Tuân (1910 – 1987) quê ở làng Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ông là tác giả có đóng góp lớn cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt trên hai thể loại chính là truyện ngắn và tuỳ bút.
Sáng tác của Nguyễn Tuân bộc lộ cái tôi độc đáo, tài hoa, uyên bác; tràn đầy niềm say mê cái đẹp; thể hiện tấm lòng thiết tha gắn bó với cảnh sắc quê hương xứ sở và thái độ nâng niu, trân trọng các giá trị văn hoá của dân tộc. Lối viết của Nguyễn Tuân khá cầu kì, lôi cuốn người đọc bằng ngòi bút giàu cảm hứng lãng mạn và tài nghệ sử dụng ngôn ngữ bậc thầy. Ông đã góp cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại nhiều tác phẩm xuất sắc: Vang bóng một thời (tập truyện ngắn, 1940), Thiếu quê hương (tập tuỳ bút, 1940), Chùa Đàn (tiểu thuyết, 1946), Sông Đà (tập tuỳ bút, 1960), Cô Tô (kí, 1965),...
Chữ người tử tù được in lần đầu trên tạp chí Tao Đàn (số 1, năm 1939) với nhan đề Giòng(1) chữ cuối cùng, được in lại trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.
Hầu hết nhân vật chính trong Vang bóng một thời là những con người tài hoa mà lỡ thời, bất mãn, bế tắc trước thực trạng xã hội đương thời. Họ là hiện thân của những vẻ đẹp còn sót lại từ quá khứ: thú chơi tao nhã, nếp sống thanh cao, tinh thần hào hiệp, nghĩa khí,...
Trả lời câu hỏi
1. Hãy xác định tình huống truyện trong Chữ người tử tù.
2. Lời kể về nhân vật quản ngục (trong phần 1) là của ai? Lời kể ấy tác động đến cách nhìn của bạn về nhân vật này như thế nào?
3. Sự kiện nào đã tạo nên bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục? Sau sự kiện ấy, mối quan hệ của họ đã thay đổi như thế nào?
4. Nhân vật Huấn Cao được tác giả khắc hoạ qua những chi tiết tiêu biểu nào? Hãy dựa vào các chi tiết đó để khái quát đặc điểm tính cách Huấn Cao.
5. Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Hãy phân tích ý nghĩa của cảnh tượng kì lạ đó.
6. Theo bạn, tác giả đã gửi gắm những thông điệp gì qua câu chuyện xin chữ và cho chữ?
7. Nêu và nhận xét về một điểm chung mà bạn nhận thấy giữa hai nhân vật Tử Văn (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ) và Huấn Cao (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân).
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
---------------------------
(1) Giòng: dòng, viết theo chính tả của văn bản nguồn.
(Trang 28)
Thực hành tiếng Việt
Sử dụng từ Hán Việt
1. Giải thích nghĩa của những từ ngữ Hán Việt được in đậm trong các câu văn dưới đây:
a. – Kẻ kia là một cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều, nên Hoàng thiên cho được hưởng cúng tế ở một ngôi đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ, sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào?
(Nguyễn Dữ, Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên)
b. − [...] Xin đại vương khoan dung tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Chẳng cần đòi hỏi dây dưa. Nếu thẳng tay trị tội nó, sợ hại đến cái đức hiếu sinh.
(Nguyễn Dữ, Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên)
c. – Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều.
(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù)
d. − [...] Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người.
(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù)
2. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“[...] Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhãn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đầy mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù)
a. Tìm năm từ Hán Việt trong đoạn văn trên.
b. Thử thay thế một từ Hán Việt trong đoạn văn trên bằng một từ hoặc cụm từ biểu đạt ý nghĩa tương đương. Hãy đối chiếu câu, đoạn văn gốc với câu, đoạn văn mới để rút ra nhận xét về sự thay thế này.
c. Dựa vào ngữ cảnh, hãy nêu tác dụng của việc sử dụng các từ Hán Việt trong đoạn văn trên.
3. Hãy tìm sáu từ Hán Việt có một trong những yếu tố tạo nên các từ sau: cương trực, hàn sĩ, hiếu sinh. Đặt một câu với mỗi từ Hán Việt tìm được.
(Trang 29)
4. Hãy chỉ ra lỗi dùng từ Hán Việt trong các câu sau và sửa lại:
a. Việc chăm chỉ đọc sách giúp ta tích luỹ được nhiều trí thức bổ ích.
b. Tại phiên toà nơi cõi âm, nhân vật Tử Văn đã thể hiện được sự cứng cỏi, ngang tàng của hàn sĩ.
c. Thói quen học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” là một yếu điểm của nhiều bạn học sinh.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn