Bài 1: Thiết kế mĩ thuật sân khấu | Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10 - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh - Bài 1: Thiết kế mĩ thuật sân khấu - Khám phá - Nhận biết -Thảo luận - Vận dụng - Nhận biết được đặc điểm của thiết kế mĩ thuật sân khấu. Hiểu được vai trò và công việc của nhà thiết kế mĩ thuật sân khấu.


(Trang 5)

Yêu cầu cần đạt

– Nhận biết được đặc điểm của thiết kế mĩ thuật sân khấu.

– Hiểu được vai trò và công việc của nhà thiết kế mĩ thuật sân khấu.

– Biết đến một số thể loại thiết kế mĩ thuật sân khấu.

– Yêu thích và biết được hiệu quả của thiết kế mĩ thuật sân khấu trong thành công của một vở diễn.

KHÁM PHÁ

   Thiết kế mĩ thuật sân khấu là lĩnh vực mà hoạ sĩ thiết kế sáng tạo, bố trí, sắp xếp, tạo dựng bối cảnh phục vụ cho nội dung vở diễn, để đáp ứng sự sáng tạo của các nghệ sĩ và nhu cầu thẩm mĩ của khán giả. Theo đó, mĩ thuật sân khấu bao gồm các yếu tố có liên quan tới phần hình ảnh cho một tác phẩm sân khấu như: tạo dựng bối cảnh, ánh sáng, đạo cụ, hoá trang, phục trang diễn viên,...

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-0

Không gian sân khấu (2)

--------------------

(1) Thiết kế mĩ thuật sân khấu: Design for Theatre, còn được biết đến với những thuật ngữ như Scenography, Stage design, Set design hoặc Production design.

(2) Nguồn: Kozlik

(Trang 6)

   Ở Việt Nam, bên cạnh nghệ thuật cung đình, nhiều loại hình sân khấu dân gian độc đáo được trình diễn tại sân đình, chợ, hồ nước,... với các thủ pháp ước lệ, mang sắc thái riêng. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc) công nhận là di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, trong đó thiết kế mĩ thuật sân khấu có tính thẩm mĩ, đặc sắc và độc đáo.

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-1

Sân khấu nhã nhạc cung đình Huế (1)

   Những năm đầu thế kỉ 20, nghệ thuật sân khấu phương Tây du nhập vào Việt Nam được các nghệ sĩ như: Vũ Đình Long, Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ tiếp nhận, phát triển và cùng với các hoạ sĩ như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Phạm Văn Đôn,... hình thành nghệ thuật “bài trí sân khấu”. Từ năm 1955 đến nay, sân khấu Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cách tân và phát triển vượt bậc với các thế hệ đạo diễn như: Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang,... cũng như các hoạ sĩ: Lương Đống, Phùng Huy Bình, Doãn Châu,... Mĩ thuật sân khấu đã hình thành từ “bài trí sân khấu” đến “thiết kế sân khấu" và là bộ môn thiết kế mĩ thuật sân khấu như ngày nay.

   Cho đến nay, thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh đã là một ngành đào tạo của nhiều trường nghệ thuật trong cả nước như: Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Đại học Văn hoá – Nghệ thuật Quân đội, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh,...

---------------

(1) Nguồn: thegioidisan.vn

(Trang 7)

   Để thiết kế mĩ thuật sân khấu hiệu quả, hoạ sĩ thiết kế mĩ thuật sân khấu cần thiết lập một ý tưởng thị giác tổng thể nhằm thiết kế, thể hiện ra những không gian sân khấu, bối cảnh cho vở diễn.

   Do đó, những người yêu thích và quyết định gắn bó với công việc này cần có kiến thức nhất định về các lĩnh vực: hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, thiết kế nội thất, đồ hoạ máy tính và có hiểu biết về phục trang, hoá trang, âm thanh, ánh sáng, phông màn,...

   Các ngành nghề liên quan và một số công đoạn thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh:

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-2

Hoạ sĩ – Nhà điêu khắc – Nghệ sĩ

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-3

Quay phim – Nhiếp ảnh

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-4

Thiết kế đồ hoạ

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-5

Phục trang – Hoá trang – Đạo cụ – Ánh sáng

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-6

Phác thảo bối cảnh

Để làm tốt thiết kế bối cảnh cho một vở diễn:

– Người thiết kế bối cảnh có vai trò và trách nhiệm kết hợp với đạo diễn sân khấu, các thành viên khác của nhóm thiết kế sản xuất để tạo ra không gian cho vở diễn, sân khấu.

– Các nhà thiết kế bối cảnh chịu trách nhiệm sáng tạo ra các mô hình theo tỉ lệ của bối cảnh, bản vẽ phối cảnh, hệ thống bục bệ, các bản vẽ kết cấu và tất cả những công việc có liên quan đến vở diễn và công chúng.

– Thiết kế mĩ thuật sân khấu là gì?

– Nhà thiết kế mĩ thuật sân khấu cần quan tâm điều gì?

(Trang 8)

EM CÓ BIẾT

– Vào thế kỉ 16, kịch bản của một vở diễn không chú trọng vào yếu tố mĩ thuật sân khấu, phong cảnh hoặc đạo cụ sân khấu chưa được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ hiệu quả cho diễn viên. Từ thế kỉ 17 đến nay, ngành thiết kế mĩ thuật sân khấu phát triển mạnh và ứng dụng vào nhiều hình thức sân khấu như: kịch nói, nhạc, vũ kịch,...

Năm 1895, nghệ thuật điện ảnh xuất hiện và nhiều bộ phim trong giai đoạn đầu được quay trực tiếp từ bối cảnh sân khấu kịch, với cách thể hiện chương hồi và chuyển cảnh như kịch biểu diễn trên sân khấu. Trong quá trình phát triển của điện ảnh, thiết kế mĩ thuật trong lĩnh vực này được áp dụng trong việc dàn dựng bối cảnh, đạo cụ, hoá trang, phục trang,... cho những bộ phim thuộc nhiều thể loại như: hiện thực, lịch sử, hành động, kinh dị, viễn tưởng. Thiết kế mĩ thuật điện ảnh đóng vai trò quan trọng quyết định tới sự thành công của bộ phim. Ngoài việc cải tạo không gian ngoài trời thành những bối cảnh phù hợp với nội dung bộ phim, các nhà thiết kế mĩ thuật điện ảnh còn dựng trong trường quay nhiều bối cảnh từ đơn giản đến phức tạp, từ chân thực đến huyền ảo theo yêu cầu của các bộ phim. Hoạ sĩ thiết kế mĩ thuật điện ảnh, được gọi là “Hoạ sĩ chính" (1), được đưa vào tiêu đề bộ phim cùng đạo diễn, diễn viên chính và được trao giải thưởng hạng mục “Chỉ đạo nghệ thuật” và “Thiết kế sản xuất" danh giá trong các Liên hoan phim lớn, có uy tín như: Ô-xca (Oscar), Can-nơ (Cannes), Béc-lin (Berlin),... Năm 2009, giải thưởng Ô-xca được trao cho hoạ sĩ thiết kế mĩ thuật Rích Các-tơ (Rick Carter), Rô-bớt Xờ-trom-béc (Robert Stromberg), Kim Xin-cle-rơ (Kim Sinclair) trong bộ phim A-va-ta (Avatar).

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-7

Bối cảnh phim A-va-ta (2)

----------------------

(1) Tiếng Anh: Art Director.

(2) Nguồn: enchanted_fairy

(Trang 9)

NHẬN BIẾT

Những đặc điểm chính của thiết kế mĩ thuật sân khấu

   Thiết kế mĩ thuật sân khấu gắn liền với thuật ngữ “tạo dựng hình ảnh thị giác". Trong mĩ thuật sân khấu bao gồm: Không gian, bố cục, các yếu tố hội hoạ và vật liệu tạo dựng bối cảnh sân khấu.

– Không gian sân khấu là khoảng không trên sàn diễn do người hoạ sĩ tạo ra trong bản thiết kế để đạo diễn dàn dựng (xử lí không gian).

– Bố cục sân khấu cần chặt chẽ, gắn kết với nhau, mang yếu tố sắp đặt sao cho hợp lí, đẹp mắt và có tính cấu trúc cao. Bố cục được thể hiện bằng những bục, cảnh trí, vật dụng,... Hoạ sĩ phải sử dụng những kiến thức về hội hoạ để tạo hình khối, đường nét, màu sắc,... sao cho có tính thẩm mĩ cao.

– Hoạ sĩ sân khấu tạo ra bức tranh tổng thể trên sân khấu nhờ vào những yếu tố hội hoạ như đường nét, màu sắc, tuân thủ các quy luật của bộ môn hình học như luật xa gần, các thông số kiến trúc,... Hoạ sĩ cũng có thể sáng tác theo các trường phái nghệ thuật khác nhau.

– Vật liệu tạo dựng bối cảnh sân khấu bao gồm hai phần: phần cứng (bục, các khối, pa-nô, cảnh trí phẳng,...) và phần mềm (các phông cảnh treo, màn, hiệu ứng mĩ thuật,...). Vật liệu trong thiết kế sân khấu rất đa dạng và có thể kết hợp với kĩ thuật hiện đại như: hiệu ứng ánh sáng động học, dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D trên phông,...

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-8

Thiết kế sân khấu vở Ô-ten-lô (Othello) của hoạ sĩ Xvô-bô-đa (J.Svoboda) (1)

----------------------

(1) Nguồn: Doãn Bằng

(Trang 10)

   Điều này giúp công chúng có những nhận thức đầy đủ về vở diễn thông qua cách thiết lập không gian sân khấu:

Không gian tĩnh: là không gian mang tính chất mô tả địa điểm, môi trường của vở kịch, nó không tham gia trực tiếp vào trong các tình huống kịch.

– Không gian động: là không gian được thay đổi theo cách xử lí của đạo diễn, không gian động mở rộng trí tưởng tượng của người xem, tạo nên sự biến ảo, mở rộng cho vở kịch.

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-9

Thiết kế mĩ thuật vở Vòng phấn Cáp-ca-dơ (Kapkazev) (1)

Đặc điểm chính trong thiết kế mĩ thuật sân khấu là gì?

Một số thể loại trong thiết kế mĩ thuật sân khấu

   Thiết kế mĩ thuật sân khấu rất đa dạng về thể loại vì nó phục vụ cho nhu cầu biểu diễn và dàn dựng của nhiều loại hình văn hoá, nghệ thuật khác nhau trong cuộc sống (từ tổ chức ca nhạc, tạp kĩ nhỏ, các sự kiện văn hoá, xã hội, hoặc công diễn đại chúng đến sân khấu chính thống của nghệ thuật kịch nói, kịch hát,...). Việc tổ chức, tạo dựng các bối cảnh trong một vở diễn sân khấu là tạo ra những không gian thực, ảo, ước lệ, nơi diễn ra các tình huống kịch và quy định phạm vi hoạt động của các nhân vật. Căn cứ theo tính chất của các thể loại kịch (kịch nói, ca kịch dân tộc, nhạc kịch, vũ kịch,...) và ý đồ sáng tạo của đạo diễn, hoạ sĩ thiết kế sẽ xây dựng ý tưởng mĩ thuật sân khấu phù hợp.

----------------------

(1) Nguồn: Doãn Bằng

(Trang 11)

– Thể loại thiết kế mĩ thuật sân khấu nội cảnh (trong nhà): bao gồm các thể loại thiết kế dành cho biểu diễn sân khấu trong nhà như kịch, ca nhạc, tạp kĩ,... Do đó, sân khấu biểu diễn là trọng tâm cho người thiết kế nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng. Việc thi công bối cảnh sân khấu thường là một trong những công việc cần nhiều thời gian nhất khi chuẩn bị cho một vở diễn. Các bộ phận của bối cảnh thường bao gồm: hệ rèm, hệ phông, hệ bục cố định, hệ bục di chuyển, đạo cụ, ...

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-10

Sân khấu kịch (1)

– Thể loại thiết kế mĩ thuật sân khấu ngoại cảnh (ngoài trời): bao gồm các thể loại biểu diễn tổ chức ngoài trời, trong các không gian mở hoặc khép kín như lễ hội, công diễn, ca nhạc,... Đặc điểm của thể loại này là cần sự phối hợp với không gian dàn dựng bởi tầm nhìn, điểm nhìn sẽ rất đa dạng. Do đó, hoạ sĩ thiết kế sẽ cần phối hợp với các bộ phận khác nhằm tạo ra hiệu quả tốt nhất cho việc biểu diễn.

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-11

Sân khấu ngoại cảnh (2)

– Theo em, nhiệm vụ chính của việc thiết kế mĩ thuật sân khấu là gì?

– Trong các thể loại thiết kế mĩ thuật sân khấu, em thấy phù hợp và muốn được tham gia vào thể loại nào nhất?

Sưu tầm một số bản vẽ mĩ thuật sân khấu em yêu thích.

-----------------------

(1) Nguồn: Nhà hát Tuổi trẻ

(2) Nguồn: Nickolas Warner

(Trang 12)

Từ thế kỉ 20, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật và công nghệ điện tử, âm thanh, ánh sáng,... thiết kế mĩ thuật sân khấu đã trở thành một ngành nghề quan trọng và không thể thiếu trong hầu hết các sự kiện trình diễn trên thế giới.

– Tạo dựng không gian trình diễn trên sân khấu cho vở kịch hoặc chương trình biểu diễn, sự kiện giúp người xem hình dung được khung cảnh diễn ra tình huống truyện (của vở diễn) hoặc những khung cảnh, những ấn tượng liên quan đến tiết mục, chương trình biểu diễn, tổ chức sự kiện.

– Dẫn lối người xem bước vào thế giới nghệ thuật và giúp chương trình biểu diễn hấp dẫn và sống động hơn.

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-12

Vở kịch Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình (1)

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-13
Nhà hát Ô-đê-ôn (Odeon) của Hê-rốt-đờ Át-ti-cút (Herodes Atticus) tại A-then (Athens), Hy Lạp (2)

Vai trò của thiết kế mĩ thuật sân khấu là gì? Tại sao nó có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá, nghệ thuật?

Xem và phân tích yếu tố thiết kế mĩ thuật trong một vở kịch em yêu thích.

------------------------

(1) Nguồn: Nhà hát Tuổi trẻ

(2) Nguồn: Georgios Tsichlis

(Trang 13)

THẢO LUẬN

   Trao đổi với các thành viên trong nhóm về khái niệm, đặc điểm của thiết kế mĩ thuật sân khấu, vai trò của thiết kế mĩ thuật sân khấu trong cuộc sống. Viết bài thuyết trình thể hiện hiểu biết và suy nghĩ của bản thân về vấn đề này.

EM CÓ BIẾT

   Thiết kế mĩ thuật sân khấu là ngành nghề có nhiều ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống và nhu cầu cho công việc này rất đa dạng. Trong nhà trường, vào những ngày lễ, kỉ niệm, việc tổ chức các hoạt động biểu diễn ca nhạc, kịch nói, rất cần thiết kế dàn dựng bối cảnh, sân khấu nhằm tạo hiệu quả thẩm mĩ cho các hoạt động tập thể ở các lớp, khối lớp, toàn trường. Ngoài xã hội, những hoạt động tổ chức lễ hội, sự kiện, sinh hoạt trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hát, hãng phim, đài truyền hình, khu dân cư,... cũng luôn đòi hỏi sự tham gia của những hoạ sĩ thiết kế giỏi nghề, có khả năng sáng tạo.

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-14 hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-15
hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-16

Một số hình thức thiết kế mĩ thuật sân khấu: ca múa nhạc – kịch – tạp kĩ (1)

VẬN DỤNG

Tổ chức nhóm cùng xem vở kịch yêu thích và thực hiện các nội dung sau:

– Thảo luận về ý tưởng, cách dàn dựng và ý nghĩa mĩ thuật của bối cảnh sân khấu.

– Trình bày vai trò, ý nghĩa và những đặc điểm của thiết kế mĩ thuật sân khấu trong những vở kịch đó.

– Viết bài luận nêu hiểu biết của em về vai trò, đặc điểm cũng như ý nghĩa và tính thẩm mĩ của thiết kế mĩ thuật sân khấu.

-------------------------

(1) Nguồn: Vectors Bang

(Trang 14)

EM CÓ BIẾT

– Hoạ sĩ thiết kế mĩ thuật sân khấu cũng như điện ảnh bao gồm rất nhiều vị trí như:
Hoạ sĩ tạo hình bối cảnh (dựng cảnh, đạo cụ, trang trí), hoạ sĩ tạo hình nhân vật (phục trang, hoá trang) nhằm tạo hình ảnh đẹp theo đúng kịch bản, cụ thể hoá cho sự dàn dựng của đạo diễn cũng như đem đến những khuôn hình hiệu quả về thị giác.

– Kể từ khi điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời vào năm 1953, nhiều thế hệ hoạ sĩ thiết kế mĩ thuật điện ảnh như: Lê Thanh Đức, Đào Đức, Ngọc Linh, Trần Kiềm, Bình Đẳng, Phạm Quang Vĩnh, Trịnh Thái,... đã đóng góp đáng kể vào sự thành công của nhiều bộ phim.

hinh-anh-bai-1-thiet-ke-mi-thuat-san-khau-12281-17

Sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội (1)

------------------------

(1) Nguồn: Hữu Phần

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 1: Thiết kế mĩ thuật sân khấu | Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10 - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sinh học 10

Âm nhạc 10

Ngữ văn 10 - Tập 1

Ngữ văn 10 - Tập 2

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Giáo dục thể chất cầu lông

Giáo dục thể chất bóng đá

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

Công Nghệ 10

Địa Lí 10

Toán 10 - Tập 1

Toán 10 - Tập 2

Lịch Sử 10

Mĩ thuật_Thiết kế thời trang 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10

Mĩ thuật_Thiết kế công nghiệp 10

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 10

Mĩ thuật_Lí luận và lịch sử mĩ thuật 10

Mĩ thuật _Điêu khắc 10

Mĩ thuật_Đồ hoạ (tranh in) 10

Mĩ thuật_Hội hoạ 10

Mĩ thuật_Kiến trúc 10

Tin Học 10

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Hóa học 10

Giải bài tập Vật lý 10

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.